Thuế thương mại điện tử: Tăng mạnh, nhưng còn 'khoảng trống'
Tăng mạnh so với cùng kỳ, song thuế thương mại điện tử vẫn đang có những 'khoảng trống' không cần chờ sửa luật, mà có thể 'lấp' được ngay.
Số thuế đã nộp tăng 23%
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử khoảng 50.000 tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023. Thông tin này được nêu trong báo cáo chuyên đề về công tác quản lý thuế, quản lý sàn thương mại điện tử và mua bán online, tại Hội nghị Sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 vừa diễn ra.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, trên 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với cơ sở dữ liệu về mã số thuế để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số thuế đã hoàn thành. Việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế cũng đã xong.
“Bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu từ Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước với Tổng cục Thuế. Qua đó, tiếp tục tạo nguồn cơ sở phục vụ công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử”, Bộ Tài chính cập nhật kết quả.
Đồng thời, ngay từ đầu năm, cơ quan thuế chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân), với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết, vẫn tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp này đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam từ ngày 21/3/2022. Đến nay, đã có 101 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp thuế hơn 4.039 tỷ đồng. Lũy kế từ thời điểm triển khai Cổng thông tin điện tử đến nay, số thu ngân sách nhà nước từ các nhà cung cấp nước ngoài là 15.613 tỷ đồng.
Một số giải pháp khác cũng được Bộ Tài chính đề cập, như Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh chuyển đổi số nội ngành thông qua nâng cấp các ứng dụng quản lý thuế nhằm thu thập, làm giàu cơ sở dữ liệu thương mại điện tử, đồng thời phân quyền khai thác dữ liệu về các địa phương phục vụ công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử.
Ngành thuế cũng tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế với cơ quan thuế các nước và các tổ chức quốc tế (OECD, IMF, WB, ADB, JICA...) trong việc nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Tiếp tục tham gia nghiên cứu, xây dựng và chuẩn bị các nội dung, thủ tục thực hiện ký kết Hiệp định Đa phương về phân bổ lợi nhuận đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số (MLC).
Với việc triển khai các giải pháp nêu trên, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 được Bộ Tài chính thông tin là: doanh thu quản lý đạt 1,8 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp khoảng 50.000 tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023 (năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng).
Không phải vướng ở luật
Nêu các nhóm giải pháp về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, mua bán online thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, tiếp tục đề xuất sửa đổi một số thông tư, nghị định và Luật Thuế giá trị gia tăng.
Trong đó, Luật Thuế giá trị gia tăng, khi được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy vừa qua, thì một trong nhiều vấn đề được cả Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và nhiều đại biểu quan tâm là việc miễn thuế giá trị gia tăng gắn với miễn thuế nhập khẩu đang được thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh (theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Dẫn cơ sở dữ liệu của hải quan và Tổng công ty Bưu chính, với sự phát triển của thương mại điện tử, ước tính loại hàng hóa trên có thể đạt 2 tỷ đơn hàng/năm, khi trao đổi với báo chí, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, nên thực hiện việc thu thuế giá trị gia tăng và thu ngay với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Đề xuất sửa 7 luật về thuế
Theo thông tin từ Hội nghị Sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đang tập trung rà soát hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 7 dự án luật về thuế. Đó là các dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
“Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và luật hiện hành đều không quy định đối tượng này thuộc diện miễn thuế hay thuế suất 0%, mà thực hiện theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do vậy, không phải vướng ở luật. Quốc hội nên có ý kiến về việc dừng ngay việc miễn thuế với hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, logistics xuyên quốc gia”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Với số lượng ước tính 2 tỷ đơn hàng mỗi năm, ông Thịnh tính toán, nếu chỉ lấy mức bình quân 300.000 đồng/đơn hàng thì sẽ có 600.000 tỷ đồng. Nếu thuế giá trị gia tăng ở mức 10% thì phát sinh số thuế phải nộp là 60.000 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD).
Đại biểu Thịnh phân tích, việc miễn thuế đó, xét cho đến cùng, là người tiêu dùng trong nước sẽ được giảm chi phí, hưởng lợi. Tuy nhiên, trong các mặt hàng nhập về, có rất nhiều mặt hàng mà các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân trong nước đang tổ chức sản xuất, nên việc miễn thuế này không bảo vệ được sản xuất trong nước.
Vì vậy, để bảo vệ sản xuất trong nước và trong môi trường thương mại toàn cầu được thông thương, đơn giản, nhanh gọn như hiện nay, đại biểu Thịnh đề nghị, nên áp dụng quy định có tính thuế giá trị gia tăng với mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ thực hiện vận chuyển qua logistics xuyên biên giới.
Ông Thịnh thông tin thêm, trong khu vực, Thái Lan đã thông báo, kể từ tháng 7 năm nay, sẽ bắt đầu áp thuế giá trị gia tăng với mọi loại hàng hóa nhập khẩu (chỉ miễn cho hàng hóa tương đương dưới 1.000 VND, mức gần như không có trong thực tế), tức là dừng hẳn việc miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ. “Vì thế, Việt Nam nên làm và làm ngay”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc thực hiện thu thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ có gặp khó khăn gì không, ông Thịnh khẳng định là không khó. Hầu hết việc vận chuyển, mua bán thông qua một thương nhân, có thể là tổ chức, cá nhân kinh doanh..., do vậy, khi làm tờ khai nhập khẩu sẽ áp thuế vào.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thịnh, để việc thực hiện được đơn giản, có thể thống nhất một tỷ lệ thuế suất nhất định, có thể là 8% hay 10%, vì trong các mặt hàng đó, có nhiều mặt hàng nhỏ là nông cụ cho sản xuất nông nghiệp. Nếu phân chia quá mức, sẽ trở nên khó khăn, phức tạp hơn ở khâu kê khai, kiểm tra, vì thế, chỉ nên áp dụng một mức thuế suất.
Ưu tiên sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Chiều 15/7, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, cần ưu tiên sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, bởi mức giảm trừ gia cảnh đã trở nên quá lạc hậu.
“Tại Kỳ họp thứ bảy vừa qua của Quốc hội, tôi có đề nghị, khi lương tăng, cần quan tâm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên, thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Tăng lương 30%, ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, đến 50% là hợp lý”, đại biểu Hạ nhắc lại.
Vì thế, ngay trong năm 2024, bên cạnh việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung các luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thu nhập doanh nghiệp, Giá trị gia tăng, đại biểu Hạ đề nghị, Bộ Tài chính cần chủ động đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân trong thời gian sớm nhất có thể.