Thuế suất thấp - cần nhưng chưa đủ

Theo chương trình nghị sự kỳ họp thứ 8, hôm nay, 22-11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Đây là đạo luật có tác động sâu rộng đến toàn nền kinh tế, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng.

Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là hoàn thiện các chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư nói chung, đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng. Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI thể hiện chủ yếu ở các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về tiếp cận đất đai, sự thông thoáng về thủ tục hành chính.

Mức thuế TNDN thấp luôn là một điểm hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Nhưng chỉ như thế là chưa đủ, nhất là trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đã được áp dụng từ năm 2024. Ở các giai đoạn khác nhau, chính sách thuế TNDN của nước ta được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội (từ mức thuế TNDN trung bình 32% năm 1997 giảm còn 28% vào năm 2001, 25% vào năm 2009, 22% vào năm 2014 và từ ngày 1-1-2016 đến nay là 20%).

Dự thảo trình Quốc hội lần này cũng quy định thuế suất thuế TNDN là 20%. Riêng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 15%; doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 17%... Theo số liệu Bộ Tài chính cung cấp, thuế TNDN của Việt Nam thấp hơn mức trung bình thế giới hiện nay (23,54%). Thuế suất ưu đãi và thời gian áp dụng được xem xét, quyết định trên từng trường hợp cụ thể.

Với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, để duy trì lợi thế cạnh tranh, đồng thời không bị thất thu thuế thì cần cân nhắc rất kỹ các quy định về thuế TNDN theo hướng khoanh định rõ ràng, cụ thể đối tượng ưu đãi thuế; mục tiêu và các lĩnh vực/ngành cần ưu đãi thuế; có sự phân biệt đối với từng nhóm tỉnh, thành phố có đặc thù khác nhau. Một hệ thống thuế tốt, minh bạch, công bằng, hiệu quả, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế; dần chuyển từ ưu đãi dựa trên lợi nhuận sang ưu đãi dựa trên hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng là xu hướng tất yếu.

Không chỉ vậy, các chính sách ưu đãi thuế TNDN cần được áp dụng ổn định trong trung và dài hạn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thay đổi chính sách ưu đãi đầu tư, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở khâu thực thi, việc xây dựng các quy tắc để quản trị tốt các ưu đãi đầu tư, bao gồm thời hạn và tiêu chí lựa chọn đối tượng là hết sức quan trọng. Cần thực hiện phân tích chi phí và lợi ích trước khi phê duyệt bất kỳ ưu đãi thuế hoặc phi thuế nào, đồng thời định kỳ thực hiện đánh giá hiệu quả của việc cấp ưu đãi đầu tư, tiến tới xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về ưu đãi một cách minh bạch, ổn định.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, vẫn là chất lượng của môi trường đầu tư. Tháng 10 vừa qua, báo cáo “Business Ready 2024” của Ngân hàng Thế giới đánh giá môi trường kinh doanh và đầu tư trên toàn cầu của 50 nền kinh tế chỉ ra rằng, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc áp dụng các quy định hỗ trợ môi trường kinh doanh lành mạnh, nhưng trong lĩnh vực dịch vụ công, mới chỉ ở nhóm thứ 3/5. Lĩnh vực mà Việt Nam thể hiện kém nhất là dịch vụ tài chính.

Theo Ngân hàng Thế giới, các nền kinh tế có quy định kinh doanh và dịch vụ công hiệu quả hơn có xu hướng thu hút nhiều FDI hơn. Về phía doanh nghiệp, những cuộc khảo sát được các tổ chức trong nước và quốc tế tiến hành đều cho thấy, giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… là những điểm cộng đầy sức thu hút đối với các nhà đầu tư, cả trong nước lẫn nước ngoài.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thue-suat-thap-can-nhung-chua-du-post769466.html
Zalo