Thuế đối ứng 46% từ Mỹ: Doanh nghiệp dệt may Việt Nam bình tĩnh, chủ động tìm giải pháp

Bình tĩnh, chủ động để chuẩn bị cho các giải pháp ứng phó với chính sách áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam, tăng cường mua những sản phẩm phía Mỹ có thể sản xuất được nhằm tạo vị thế tốt hơn khi thương lượng về thuế quan giữa hai nước… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: Thanh Hiền

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: Thanh Hiền

-Ông đánh giá thế nào về quyết định áp thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam?

-Đối với chính sách thuế chính quyền Mỹ vừa công bố, đến giờ phút này, chúng ta chưa có thông tin đầy đủ mặt hàng nào phải chịu mức thuế bao nhiêu phần trăm.

Có thể hiểu rằng mức thuế 46% là ngưỡng thuế cao nhất áp lên các mặt hàng, chứ chưa đồng nghĩa với việc tất cả các mặt hàng đều phải chịu mức thuế 46%. Chính vì thế, cần phải tiếp tục theo dõi trong vài ngày tới xem chính sách cụ thể đối với hàng dệt may như thế nào.

- Theo ông quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu của ngành Dệt may sang thị trường Mỹ?

-Điều chúng tôi hết sức quan tâm là mức độ chênh lệch của tăng thuế Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh khác, chứ không chỉ là con số tuyệt đối về phần trăm tăng thuế của riêng Việt Nam.

Đơn cử như trong bảng danh sách thuế mà Mỹ công bố, Việt Nam phải chịu mức 46%, có nghĩa từ mức hiện dệt may đang bị đánh thuế là 18%, sẽ tăng khoảng 28%.

Nhưng ngược lại có những quốc gia nhìn thuế suất % thấp hơn của Việt Nam, song xuất phát điểm hiện nay của họ đang là các nước nghèo hưởng thuế suất GSP bằng 0, thì thực tế mức thuế phần trăm của họ lớn hơn của Việt Nam rất nhiều, thậm chí tăng đến 30 – 36%.

Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến việc dịch chuyển đơn hàng phụ thuộc vào sự chênh lệch trong việc tăng thuế suất giữa các quốc gia.

Ở đây các quốc gia có làm dệt may lớn tương đương Việt Nam là Banglades, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Mianma… Mức độ thay đổi thuế sẽ làm ảnh hưởng đến cân đối dòng chảy của thương mại quốc tế về dệt may, nơi sản xuất, nơi đặt hàng. Vì vậy chúng ta chưa thể kết luận ngay mức ảnh hưởng của việc này.

Chỉ có một điểm có thể đánh giá được ngay đó là với thuế suất tăng lên thì có khả năng tâm lý người tiêu dùng, người mua hàng sẽ có sự chững lại nhất định.

Và có khả năng trong ngắn hạn làm giảm tổng cầu, rồi giá bán lẻ có thể tăng, làm số lượng đơn hàng có thể ít hơn dự kiến. Còn dự báo về sự dịch chuyển dòng chảy của chuỗi cung ứng thì tại thời điểm này chưa đủ thông tin để đánh giá.

-Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể làm gì để thích ứng với mức thuế này, thưa ông?

- Chúng ta cũng hiểu chính sách thuế của Mỹ trong quý I vừa qua là một chính sách thuế linh hoạt có thương lượng song phương.

Chúng tôi cũng rất hy vọng là Chính phủ Việt Nam với tất cả thiện chí trong thương thảo rút ngắn khoảng cách về chênh lệch thương mại giữa hai nước, chúng ta có thể đạt được kết quả tốt hơn.

Về phía các doanh nghiệp nên bình tĩnh chủ động chuẩn bị cho các tình huống, nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng.

Chúng ta chưa có đầy đủ các thông tin để phân tích về mức độ ảnh hưởng, và cũng hoàn toàn yên tâm rằng không chỉ riêng Việt Nam bị tăng thuế, mà tất cả các quốc gia đều bị tăng thuế. Trong đó, những nước làm dệt may đều có tỷ lệ tăng thuế khá cao, đây cũng là một cơ sở để chúng ta đỡ lo lắng một cách thái quá về quá trình dịch chuyển dòng chảy thương mại.

- Xin ông cho biết, ngành dệt may sẽ có những giải pháp gì để ứng phó và thích nghi với vấn đề này?

- Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ năm 2024 đạt khoảng 16,2 tỷ USD, là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 vào Mỹ.

Trong chính sách chung này, chúng ta cần phân tích rõ những nhóm quốc gia mà Mỹ có xu thế đánh thuế cao, cố gắng tìm các nguồn cung ứng khác nhau để chứng minh giá trị xuất xứ của Việt Nam ngày càng tốt hơn.

Để có cơ sở thương thảo với Mỹ trong việc giảm thâm hụt cán cân thương mại, chúng ta tăng cường mua những sản phẩm phía Mỹ có thể sản xuất được như tăng tỷ lệ mua bông từ Mỹ… Đây sẽ là minh chứng giúp chúng ta có thể có vị thế tốt hơn khi thương lượng về thuế quan giữa hai nước.

Trên thế giới, Mỹ luôn là thị trường lớn nhất, vì vậy chúng ta không thể nói rằng thay đổi thị trường Mỹ bằng các thị trường khác.

Đó cũng là lý do vì sao cả thế giới phải chờ đợi, phải lo lắng về các chính sách thuế quan của Mỹ. Đây là thị trường không thể thay thế, bởi dù có giảm tỷ trọng nhưng nếu không giữ được quy mô nhất định thì thực sự chúng ta sẽ gặp khó khăn.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với nội lực, năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam, với bước đầu về mức thuế quan giữa các quốc gia, tuy là rất cao, rất sốc nhưng khoảng cách phải tăng giữa Việt Nam và các nước không quá xa và chúng ta không mất đi lợi thế cạnh tranh tương đối đối với lĩnh vực dệt may.

Chúng tôi hy vọng dù tổng cầu thế giới có giảm, chúng ta không đạt được tốc độ tăng trưởng cao như quý I vừa qua, nhưng để rơi vào suy giảm sâu có lẽ sẽ khó xảy ra.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thue-doi-ung-46-tu-my-doanh-nghiep-det-may-viet-nam-binh-tinh-chu-dong-tim-giai-phap-697892.html
Zalo