Thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Cần hài hòa giữa các bên
Thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần đảm bảo hài hòa giữa người có đất bị thu hồi, người chuyển đổi mục đích sử dụng và nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đảm bảo hài hòa giữa 3 bên
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường diễn ra sáng 3/7, vấn đề tiền thuế người dân phải nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tăng quá cao, khiến nhiều người không đủ khả năng đóng tiền được các phóng viên đặt câu hỏi cho lãnh đạo bộ.

Vấn đề chuyển đổi đất vườn sang đất ở đóng thuế tiền tỷ đang được người dân quan tâm.
Trả lời về việc này, ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay, làm thế nào để công bằng và hài hòa giữa người có đất bị thu hồi và người có đất chuyển mục đích sử dụng?
Trước khi có Luật đất đai 2024, giá đất được quy định bởi khung giá nhà nước ban hành, các địa phương căn cứ vào khung giá đất nên giá đất so với giá thị trường có sự chênh lệch rất lớn. Vì thế, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công của nhà nước, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội rất khó khăn, không thể triển khai các dự án công trình trọng điểm quốc gia hoặc triển khai rất chậm.
Vì vậy, tổng kết Nghị quyết 19 của ban chấp hành Trung ương đã xác định rõ giá đất theo quy định của pháp luật đất đai 2013 là chưa sát với giá thị trường, gây cản trở rất lớn đến sự phát triển kinh tế chung của toàn đất nước.
Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã có định hướng và chủ trương rất rõ cho Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường (trước đây) về giá đất tiệm cận với giá thị trường. Đảm bảo hài hòa giữa việc người có đất bị thu hồi sẽ được đền bù theo giá tiệm cận với giá thị trường và người chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thông tin tại cuộc Họp báo
Về nội dung một số nơi người sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải nộp tiền cao. Về việc thu tiền này là theo quy định của pháp luật Đất đai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nghiên cứu trên thực tiễn và sẽ trao đổi với Bộ Tài chính theo hướng giá đất tiệm cận theo giá thị trường nhưng cần phân định theo đối tượng, loại đất.
“Việc xây dựng Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/07/2024 của Chính phủ Quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì, do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính về nội dung này nhằm đảm bảo hài hòa giữa người có đất bị thu hồi, người chuyển đổi mục đích, đồng thời, cũng phải đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước”, ông Mai Văn Phấn nói.
Sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết
Trước đó, một số cơ quan báo chí đã phản ánh một số trường hợp người dân tại Nghệ An và Ba Vì (Hà Nội) gặp khó khăn khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn sang đất ở do mức thu tiền sử dụng đất quá cao.
Cụ thể, một người dân ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì (nay là xã Ba Vì, Hà Nội) đã hoàn tất thủ tục chuyển đổi hơn 210m2 đất trồng cây lâu năm thành đất ở. Thế nhưng, số tiền sử dụng đất quá cao, người dân không đủ khả năng đóng, buộc chính quyền phải thu hồi và hủy quyết định đã cho phép chuyển đổi.
Tương tự, vợ chồng ông Trần Duy Đồng và bà Nguyễn Thị Hồng, trú tại khối Đức Thịnh, phường Hưng Lộc, TP. Vinh (Nghệ An) vô cùng hoang mang khi chuyển đổi 300m2 đất vườn nằm cạnh khu nghĩa trang sang đất ở phải nộp tiền sử dụng đất gần 4,5 tỷ đồng. Gia đình không phản đối việc đóng thuế nhưng cho rằng, với số tiền đó, cả đời họ cũng không có.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 2/7, tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, cho biết, Bộ Tài chính đã nắm thông tin phản ánh và đã có văn bản gửi các địa phương để nắm bắt tình hình, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và 1 năm thực hiện Luật Đất đai 2024, dự kiến sẽ có những sửa đổi, bổ sung nghị quyết này và Luật Đất đai 2024. Trên cơ sở phản hồi, đánh giá của các địa phương, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra những ý kiến góp ý, có thể sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2024.
Trước mắt, khi chưa sửa được Luật Đất đai 2024, Bộ Tài chính dự kiến kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 103. Cụ thể, đối với đất trước đây như ao vườn, trang trại, nghĩa là đã xử lý rồi nhưng bây giờ vẫn tồn đọng và gọi chung là đất nông nghiệp, Bộ Tài chính đang đề xuất chỉ thu bằng 50% số tiền khi chuyển đổi giữa hai mục đích sử dụng.
Ngày 2/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An lý giải việc người dân chuyển 300m2 đất vườn sang đất ở phải nộp gần 4,5 tỷ đồng tiền thuế.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An cho biết, thửa đất của bà Hồng không có trong bảng giá đất ban hành theo Quyết định số 57/2019 của UBND tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, đây là phần tách ra từ thửa đất gốc số 143, có giá đất ở là 1,9 triệu đồng/m2 và đất nông nghiệp là 85.000 đồng/m2. Sau khi bảng giá đất được điều chỉnh theo Quyết định số 18/2025 ngày 21/5/2025, giá đất tại vị trí này được xác định là 15 triệu đồng/m2. Theo UBND TP. Vinh, giá thị trường tại khu vực này hiện cao hơn mức giá trong bảng.
Liên quan đến vấn đề giá đất tăng, thị trường bất động sản sẽ thế nào? Theo ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), giá đất gắn với thị trường bất động sản. Trong thời gian từ nay đến trước 31/12/2025, các địa phương phải có trách nhiệm xây dựng giá đất địa phương để ban hành và áp dụng từ 1/1/2026. Vì vậy, chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị địa phương đánh giá thấu đáo tác động của thị trường, cũng như khả năng phát triển của kinh tế - xã hội địa phương để đảm bảo việc UBND tỉnh xây dựng bảng giá đất phù hợp nhất.