Thực trạng xử lý vi phạm hút thuốc nơi công cộng

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được ban hành từ năm 2012, kèm theo đó là những quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng. Tuy nhiên, người dân vẫn vô tư hút thuốc tại công viên, khu chung cư, thậm chí trong thang máy hay các khu vui chơi trẻ em.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Luật sư Trần Thị Hà - Công ty Luật TNHH PHAROS đã gợi mở hướng đi cho chính sách xử lý vi phạm.

+ Thưa bà, luật pháp hiện hành đã quy định như thế nào về xử lý hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng? Mức phạt cụ thể ra sao?

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012 đã quy định rất cụ thể các Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (Điều 11, 12). Nơi công cộng bao gồm Cơ sở y tế; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở giáo dục...

Luật sư Trần Thị Hà - Công ty Luật TNHH PHAROS (ở giữa)

Luật sư Trần Thị Hà - Công ty Luật TNHH PHAROS (ở giữa)

Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá như sau: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

+ Vậy theo bà, vì sao dù đã có luật và chế tài rõ ràng, nhưng thực tế việc xử phạt vi phạm lại rất hạn chế hoặc gần như không được thực hiện?

Thứ nhất, hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng xảy ra nhanh chóng, đối tượng vi phạm chủ yếu là người vãng lai. Sau khi hút thuốc xong, người vi phạm sẽ di chuyển đi nơi khác nên không thể có các thông tin như tên, địa chỉ người vi phạm; trong khi, hành vi vi phạm này cần phải bắt quả tang, lập biên bản tại chỗ và xử lý mới đảm bảo tính khả thi.

Thứ hai, khi áp dụng hình thức phạt nguội và nhận tin báo của người dân, một số thông tin từ camera giám sát hoặc phản ánh của người dân không có nghĩa là đã đầy đủ, chính xác, rõ ràng mà phải thông qua việc kiểm tra, xác minh tốn rất nhiều thời gian, công sức, nhiều trường hợp việc xác minh, kiểm tra không có kết quả nên không thể xử lý hành vi vi phạm. Việc này có thể làm cho người dân đã phản ánh thông tin sẽ nản lòng và không tiếp tục phản ánh nữa.

Thứ ba, một số khu vực công cộng không có kinh phí nên chưa được trang bị các biển hiệu, camera giám sát, lực lượng kiểm tra nên không thể quản lý, giám sát để phát hiện và xử lý vi phạm.

Thứ tư, các đơn vị quản lý, điều hành khu vực công cộng không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá.

Trong quá trình thực thi pháp luật, có gặp phải những vướng mắc nào về mặt tổ chức, nhân sự, hay thậm chí là ý thức chấp hành của người dân?

Tổ chức, nhân sự thực thi pháp luật là một nội dung còn nhiều vướng mắc. Lực lượng thanh tra chuyên ngành y tế và Ủy ban nhân dân các cấp là những đơn vị có thẩm quyền xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng với lực lượng thanh tra y tế ít ỏi hiện nay, việc xử lý các trường hợp vi phạm là điều vô cùng nan giải. Trong khi đó, lãnh đạo các cấp chính quyền nhất là chính quyền cấp xã, phường gần như buông lỏng công tác đôn đốc, kiểm tra, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền phân cấp. Có những khu vực công cộng không hề được trang bị biển cấm hay có thiết bị, lực lượng kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng là một vấn đề cản trở chính sách, quy định của pháp luật. Nhiều người dân thậm chí còn không biết quy định cấm hút thuốc tại các khu vực công cộng và mặc nhiên thực hiện hành vi theo nhu cầu của mình, gây ảnh hưởng đến môi trường và người xung quanh. Đến khi hành vi bị lập biên bản xử phạt thì có những người còn chống đối, có những hành vi, lời nói xúc phạm lực lượng chức năng, gây ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật.

+ Theo bà, cần bổ sung hoặc điều chỉnh những quy định gì để tăng hiệu quả giám sát và xử phạt vi phạm, làm sao để pháp luật không chỉ "nằm trên giấy"?

Trước hết, cần xem xét quy định điều kiện trang thiết bị tối thiểu tại các khu vực công cộng cấm hút thuốc lá; các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, theo dõi việc thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc ở các điểm cấm, cho phép sử dụng hoặc công nghệ giám sát để tiến hành xử phạt người vi phạm; xử phạt nguội các hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ngoài ra, tôi cho rằng kinh phí triển khai là một vấn đề đáng lưu tâm, vì có kinh phí mới nghĩ và có điều kiện để triển khai các biện pháp trên thực tế. Do đó, cần xây dựng quỹ kinh phí liên quan đến nội dung này để trang bị các thiết bị nghiệp vụ, xây dựng lực lượng kiểm tra thường xuyên. Đôi khi chỉ nhìn qua camera và kịp thời có nhắc nhở qua thiết bị cũng khiến người vi phạm nhận biết mình đang vi phạm và ngừng hành vi.

Bên cạnh đó, tiếp tục phổ biến sâu rộng đến tất cả người dân Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, xem xét nâng mức phạt tiền theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm, hành vi vi phạm trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá để mỗi người có ý thức hơn nữa trong việc thực hiện đúng quy định của pháp luật và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giảm nhanh tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng.

Xin cảm ơn bà!

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuc-trang-xu-ly-vi-pham-hut-thuoc-noi-cong-cong-20250423084135368.htm
Zalo