Thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải
Thời gian qua, môi trường là một trong các vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Song song với quá trình phát triển của nền kinh tế thì môi trường cũng đang bị đe dọa do hoạt động sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của con người. Đặc biệt là quá trình hoạt động giao thông vận tải (GTVT) đã thải ra lượng lớn khói bụi, xăng dầu và các chất độc hại ra môi trường…
Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Hoạt động xây dựng các công trình giao thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, sự di chuyển đi lại hằng ngày của mỗi người đều ảnh hưởng đến môi trường. Với sự tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động GTVT trong thời gian qua, ngành GTVT Sóc Trăng đã đạt được một số thành tích đáng kể.
Về lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông, tỉnh đã phối hợp với Bộ GTVT đầu tư xây dựng hoàn thành Dự án Nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), Dự án Nâng cấp Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp; một số tuyến đường tỉnh, như: Đường tỉnh 933B (Cù Lao Dung); Đường tỉnh 934B đi Trần Đề; cầu Mạc Đĩnh Chi; cầu Long Phú 2; cầu 30/4, cầu Na Tưng trên Đường tỉnh 932; Đường tỉnh 934 (đoạn từ cầu Cái Xe đến Lịch Hội Thượng); 2 cầu Viên Bình, Trà Mơn và một số tuyến đường huyện quan trọng. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đang triển khai các công trình trọng điểm, như: cầu Đại Ngãi (Bộ GTVT làm chủ đầu tư), Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn trọng yếu sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành hệ thống hạ tầng giao thông bền vững để thúc đẩy việc phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Theo thông tin từ Sở GTVT, năm 2023 vận chuyển hành khách vượt 18,26% kế hoạch, tăng 26,07% so với năm 2022; luân chuyển hành khách khoảng 1.900.000.000 HK.km, vượt 26,67% kế hoạch năm 2023, tăng 34,38% so với năm 2022; vận chuyển hàng hóa khoảng 57.100.000 tấn, vượt 1,96% kế hoạch năm 2023, tăng 9,61% so với năm 2022, luân chuyển hàng hóa khoảng 1.122.300.000 tấn.km, vượt 6,89% kế hoạch năm 2023 và tăng 12,49% so với năm 2022. Kết quả nêu trên đã giúp cho việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực sản xuất đến khu vực lưu trữ, phân phối, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế và sự đi lại của người dân được thuận lợi hơn.
Có thể nói, ngành GTVT vừa tạo ra nhiều công trình thiết thực phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại, làm cho đời sống kinh tế của người dân tỉnh Sóc Trăng ngày một tốt hơn nhưng cũng vừa gây ra nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp lên các thành phần môi trường. Các hoạt động thi công xây dựng đều gây tác động đến các thành phần môi trường, như: không khí xung quanh, nước mặt, nước ngầm, đất, tài nguyên sinh vật và kinh tế - xã hội, đặc biệt chất thải rắn sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng ảnh hưởng nhiều đến môi trường đất.
Bên cạnh đó, các nguồn thải từ hoạt động vận tải, nhất là trong lĩnh vực đường bộ với 123.892 phương tiện đường bộ trên địa bàn tỉnh gồm 122.511 phương tiện cá nhân (26.763 xe ôtô; 95.748 xe môtô, gắn máy) và 1.381 phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải (673 vận tải hành khách, 708 vận tải hàng hóa) cũng gây ô nhiễm môi trường không khí, xe máy hiện vẫn là nguồn đóng góp chính các loại khí thải gây ô nhiễm, đặc biệt đối với các khí thải như CO và VOC, TSP. Trong khi đó, xe tải và xe khách các loại thải nhiều NO2, SO2, TSP. Khí xả tại các bến bãi đỗ xe, nơi các phương tiện dừng, đỗ, khởi động, thay đổi vận tốc liên tục chính là những lúc phát thải ra môi trường lớn.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng của GTVT đến môi trường, ngành GTVT đã phối hợp, kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở các đơn vị thực hiện đúng theo quy định về bảo vệ môi trường, như bên cạnh việc bắt buộc tất cả các phương tiện GTVT hành khách phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật mới được tham gia vận chuyển hành khách thì cũng khuyến khích sử dụng phương tiện xanh. Trong thẩm định các dự án đầu tư xây dựng thì cũng đã bắt buộc các dự án đầu tư xây dựng về giao thông phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có kế hoạch bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật để khi xây dựng công trình giao thông phải có giải pháp hạn chế, giảm thiểu các tác động đến địa hình, cảnh quan, địa chất, di sản thiên nhiên và sử dụng các loại vật liệu tại chỗ; trong quá trình kiểm tra tiến độ, chất lượng các công trình thì yêu cầu các phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông. Ngoài ra, ngành GTVT cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa trong các hồ sơ dự án.
Mặc dù đã có quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng như vận chuyển nguyên vật liệu phải che chắn bụi, xả thải chất thải đối với thi công các công trình xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, nhưng việc phát thải chất ô nhiễm từ các hoạt động này vẫn có và là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước. Ngoài ra các tác động trực tiếp như đào lấp đất khuôn đường, phá vỡ công trình cũ, vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển... gây ô nhiễm bụi khá nghiêm trọng đối với môi trường không khí xung quanh. Nước thải sinh hoạt, nước thải xây dựng từ sinh hoạt của công nhân xây dựng, bảo dưỡng bê tông, vệ sinh thiết bị, dụng cụ... cũng gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn xây dựng được thải ra cũng có mức độ ảnh hưởng lớn, nếu không được xử lý, về lâu dài tính chất thổ nhưỡng tại khu vực đó sẽ bị thay đổi, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của thực vật, đồng thời gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan. Ngoài ra, các tác động gián tiếp của hoạt động xây dựng như tiếng ồn, độ rung, bụi, khói thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân xây dựng và dân cư trong khu vực. Bên cạnh đó thì tốc độ đô thị hóa nhanh cùng hệ thống giao thông nông thôn phát triển nên kéo theo sự gia tăng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là ôtô và xe máy đã làm phát sinh thêm các chất thải như dầu động cơ, dầu hộp số, dầu bôi trơn thải; bộ lọc dầu đã qua sử dụng; thiết bị, bộ phận đã qua sử dụng có thủy ngân; thiết bị có khả năng gây nổ; thiết bị, linh kiện điện tử thải; vụn sơn; vật liệu cách nhiệt, chống cháy thải có amiang và một số loại chất nguy hại khác...
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng:
Để giảm tác động xấu của các hoạt động GTVT tới môi trường, thì ngoài việc thực hiện tuân thủ theo các quy định về bảo vệ môi trường, ngành GTVT tỉnh Sóc Trăng sẽ yêu cầu chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu đất, cát tại chỗ, vật liệu xỉ tro, đồng thời trong quá trình thi công phải sử dụng các loại phương tiện hiện đại, tiên tiến, phương tiện sử dụng điện; các phương tiện tham gia vận chuyển hành khách công cộng ưu tiên sử dụng các loại phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng điện, khí hydro...); khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện như xe đạp, xe máy điện, ôtô điện nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường là hướng đi đúng đắn trong tiến trình “xanh hóa” các phương tiện giao thông, mang lại không khí trong lành cho môi trường sống.