Thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo
Liên minh Châu Âu vừa có cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định của EU dẫn đến bị thu hồi sản phẩm.
Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) vừa có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các hiệp hội: Cà phê - Ca cao Việt Nam; Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam; Nước mắm truyền thống Việt Nam; Điều Việt Nam để thông báo về cảnh báo của Liên minh Châu Âu (EU).
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, cơ quan này đã nhận được cảnh báo từ Hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đối với các thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định của EU dẫn đến bị EU thu hồi sản phẩm.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ thực phẩm mới tại thị trường EU.
![Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê. Ảnh minh họa: M.C](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_114_51465896/a53f5a066a488316da59.jpg)
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê. Ảnh minh họa: M.C
Theo đó, thực phẩm mới là bất kỳ loại thực phẩm nào không được sử dụng để tiêu thụ cho con người ở mức độ đáng kể trong EU trước ngày 15-5-1997. Điều này thể hiện chi tiết tại Quy định (EU) 2015/2283; Danh sách thực phẩm mới được cấp phép tại Quy định (EU) 2018/1023.
Một nguyên nhân khác cũng được Văn phòng SPS Việt Nam đưa ra là do doanh nghiệp khai báo các nguyên liệu trong sản phẩm không đúng với hồ sơ, đặc biệt là các nguyên liệu dễ gây dị ứng cho người tiêu dùng. Quy định Ghi nhãn thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng được quy định tại Điều 21, Quy định (EU) 1169/2011.
Ngoài ra, nguyên nhân cũng do sản phẩm có chứa phụ gia thực phẩm trái phép hoặc vượt mức quy định. Danh sách các chất phụ gia được phép sử dụng tìm hiểu tại Phụ lục II của Quy định (EC) 1333/2008.
Bên cạnh đó là do doanh nghiệp không khai báo hoặc thực hiện việc kiểm dịch thú y tại cửa khẩu đối với sản phẩm hỗn hợp.
Để không còn tình trạng này xảy ra, tránh rủi ro cho doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam thông báo để các cơ quan, đơn vị nêu trên có khuyến nghị đến doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý yêu cầu nghiên cứu kỹ quy định của thị trường trước khi xuất khẩu.
Trước đó, vào đầu tháng 2, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng cho biết về việc EU đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững nhằm giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
EU yêu cầu nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu.
Ví dụ: Theo Quy định 2023/915, mức dư lượng cadmium tối đa được giảm cho các loại trái cây như dâu, cam quýt, xoài, chuối và dứa.
EU yêu cầu hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). EU cũng áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định, sản phẩm từ Việt Nam có thể nằm trong danh mục rủi ro cao, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra cao hơn. Do vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao kiểm soát chất lượng tại nguồn, đặc biệt với các loại nông sản như ớt, đậu, và trái cây nhiệt đới. Đồng thời chuẩn bị hồ sơ đầy đủ về quy trình sản xuất và kiểm tra để giải quyết kịp thời khi có vấn đề phát sinh.