Thực phẩm giả tràn lan: Ai chịu trách nhiệm?

Lực lượng chức năng cần được đầu tư xứng đáng để tránh tình trạng 'buông lỏng' khâu giám sát

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc liên quan thực phẩm giả, thực phẩm bẩn và hàng hóa không rõ nguồn gốc liên tục bị phát hiện trên cả nước. Từ vụ sữa giả gây chấn động ở Hà Nội, thuốc giả tại Thanh Hóa đến thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc ở Phú Thọ, tất cả đều đặt ra câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm của cơ quan quản lý và tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay.

Hậu kiểm chưa chặt chẽ

Dư luận càng bức xúc hơn khi ông Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục ATTP, cùng 4 người khác bị khởi tố vì liên quan đường dây sản xuất, buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả. Sự việc không chỉ làm lung lay niềm tin của người dân mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác quản lý.

Trước những diễn biến đáng lo ngại này, tại cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo mở ngay đợt cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.

Ngay sau chỉ đạo này, ngày 15-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết đã lên phương án kiểm tra diện rộng, tập trung vào nhóm hàng thực phẩm - lĩnh vực đang gây lo ngại nhiều nhất.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, gốc rễ của vấn đề không chỉ nằm ở hiện tượng mà còn ở cơ chế. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thẳng thắn chỉ ra rằng tình trạng mất ATTP đã tồn tại âm ỉ từ lâu, đến mức người dân dường như buộc phải "sống chung với thực phẩm bẩn". Theo ông, hệ thống quản lý hiện tại chủ yếu thiên về cấp phép hành chính mà thiếu giám sát thường xuyên. "Giấy phép chỉ bảo đảm điều kiện ban đầu, không theo sát được quá trình sản xuất" - ông nhận xét.

Để khắc phục lỗ hổng đó, chuyên gia này nhấn mạnh cần thiết lập cơ chế buộc cả cơ quan cấp phép và doanh nghiệp (DN) phải chịu trách nhiệm nếu có sai phạm. Lực lượng thực thi cần được đầu tư xứng đáng về nhân lực, thiết bị kiểm nghiệm, tránh tình trạng "buông lỏng" trong giám sát. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hiện nay còn bất cập, chưa đủ sức răn đe, nhất là trong việc xử lý vi phạm của cán bộ, công chức.

"Nếu người dân phát hiện sai phạm mà không biết báo cho ai hoặc bị làm ngơ thì hệ thống đó có vấn đề nghiêm trọng. Giải pháp cấp thiết là phải kiện toàn bộ máy, lựa chọn người có năng lực, tâm huyết và bịt kín lỗ hổng chính sách. Bởi lẽ, ATTP không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là trách nhiệm đạo đức với xã hội" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, việc Thủ tướng yêu cầu lập tổ công tác đặc biệt và triển khai đợt cao điểm chống hàng giả, hàng lậu là bước đi cần thiết. Nhưng muốn hiệu quả thì phải xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, từng cá nhân.

"Không thể để tình trạng nhiều ngành cùng quản lý một đĩa thức ăn. Như vụ sữa vừa qua, bộ này cứ đẩy bộ kia, mãi không ai nhận trách nhiệm lại đẩy xuống địa phương. Chính vì không rõ trách nhiệm nên quản lý lỏng lẻo, để lọt hành vi vi phạm. Ở đây, tôi mới chỉ đề cập nguyên tắc quản lý chứ chưa bàn tới trách nhiệm của từng cá nhân" - PGS-TS Bùi Thị An nêu quan điểm.

Bà An cho rằng cần có hình phạt nghiêm khắc, kể cả xử lý hình sự, với các hành vi đầu độc người tiêu dùng qua việc sản xuất - kinh doanh thực phẩm bẩn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) cũng nhìn nhận chính những hạn chế trong khâu hậu kiểm đã dẫn đến hệ quả nghiêm trọng, đến mức phải truy tố một số cán bộ liên quan lĩnh vực quản lý ATTP. Bà đề xuất rà soát lại toàn bộ khung pháp lý, kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm, tăng cường giám sát liên ngành để sàng lọc những yếu tố gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện, xử lý gần 800 kg thịt heo bẩn trước khi ra thị trường. Ảnh: CHI CỤC QLTT TỈNH VĨNH PHÚC

Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện, xử lý gần 800 kg thịt heo bẩn trước khi ra thị trường. Ảnh: CHI CỤC QLTT TỈNH VĨNH PHÚC

Kiểm soát chặt nhưng cần minh bạch

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng hiện nay chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". "Dù hệ thống quản lý thị trường trải rộng đến cấp địa phương nhưng khi xảy ra vụ việc rồi mới đi kiểm tra, xác minh hay khi báo chí, mạng xã hội đăng lên mới vào cuộc kiểm tra, như vậy công tác quản lý có vấn đề" - ông thẳng thắn.

Ông An cũng đặt vấn đề về đạo đức công vụ khi cho rằng sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ quản lý là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng hiện nay. Những vụ án như thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, sữa giả hay gần đây là "lòng xe điếu" không rõ nguồn gốc... cho thấy không chỉ người sản xuất vi phạm mà cả cán bộ kiểm tra cũng có vấn đề.

Do đó, theo ông An, việc phân định trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương là yêu cầu bắt buộc. Không thể tiếp tục chấp nhận lý do "thiếu người, thiếu nguồn lực" khi sức khỏe người dân đang bị đe dọa. "Chúng ta có đủ công cụ pháp luật nhưng lại để xảy ra chuyện vì thiếu cơ chế giám sát thực chất" - ông nhận định.

Ở góc độ DN, giám đốc một công ty thực phẩm tại TP HCM cho rằng cần kiểm soát chặt ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào và trách nhiệm phải rõ ràng từ phía cơ quan quản lý. Theo ông, nhiều DN làm ăn chân chính nhưng vẫn bị ảnh hưởng khi vô tình sử dụng nguyên liệu đã được kiểm định mà thực chất lại là hàng giả. "Việc kiểm tra cần minh bạch, định kỳ và có cơ chế hỗ trợ DN nghiêm túc, chứ không nên tạo áp lực hay gây khó dễ" - ông nêu ý kiến.

Với vai trò là cơ quan quản lý ở địa phương, Sở Công Thương TP HCM cho biết các hành vi vi phạm chủ yếu ở việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng nguyên liệu hết hạn, vi phạm về nhãn hàng hóa. Điển hình là gần đây, hàng chục tấn nội tạng đông lạnh không rõ xuất xứ, hàng loạt sản phẩm thực phẩm không nhãn mác đã bị phát hiện và xử lý tại Thủ Đức, chợ Bình Tây...

Để siết chặt việc kiểm soát, TP HCM đã triển khai kế hoạch hậu kiểm ATTP năm 2025. Sở Công Thương TP HCM cho biết sẽ tăng cường hợp tác liên tỉnh, kiểm soát chất lượng từ nguồn cung. Một sáng kiến đáng chú ý là chương trình "Tick xanh trách nhiệm", giúp người tiêu dùng truy xuất thông tin sản phẩm qua mã QR. Các DN vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép nếu tái phạm.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Sở Công Thương TP HCM thừa nhận còn nhiều thách thức do tính ẩn danh, xuyên biên giới của các nền tảng. Vì vậy, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển công cụ phân tích dữ liệu để thanh tra, kiểm tra hiệu quả hơn.

Hàng nhái, hàng giả vẫn tràn ngập

Tại TP HCM, khi nói đến Trung tâm Thương mại Saigon Square ở quận 1 thì ai cũng nghĩ đến "thiên đường hàng giả", từ quần áo cho đến túi xách, bóp, mắt kính, đồng hồ, giày dép nhái hàng loạt thương hiệu nổi tiếng. Chợ Bến Thành (quận 1) cũng có các mặt hàng tương tự.

Cơ quan chức năng đều biết và thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý. Sau khi đoàn kiểm tra rút đi thì đâu lại vào đó, hàng giả vẫn tiếp tục bày bán tại hai nơi này.

Lãnh đạo Chi cục QLTT TP HCM từng thừa nhận hàng giả, hàng nhái bày bán tại các trung tâm thương mại, chợ cũng như tại các cửa hàng trên địa bàn là vô cùng phức tạp, khó xử lý, giống như bắt cóc bỏ đĩa. Thậm chí, nhiều trường hợp vi phạm phải xử lý bằng cách rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó họ vẫn tiếp tục kinh doanh bằng giấy phép mới do người khác đứng tên.

Sáng 15-5, phóng viên có mặt tại Saigon Square, ghi nhận hàng nhái đủ loại vẫn được bày bán công khai, từ quần áo, túi xách, giày dép đến đồng hồ của các thương hiệu nổi tiếng... Tại quầy đồng hồ, các mẫu nhái thương hiệu châu Âu, Mỹ được rao bán chỉ từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng. Người bán thừa nhận đó là hàng nhái nhưng cũng có người khẳng định là "hàng cao cấp" và hét giá tới 17 triệu đồng.

Tại các gian dép, sản phẩm giả các thương hiệu quốc tế được bán đồng giá 350.000 đồng/đôi. Quần áo gắn mác các thương hiệu Mỹ, châu Âu có giá 450.000 đồng/chiếc, có thể mặc cả xuống 300.000 đồng nếu khách chần chừ.

Ở chợ Bến Thành, dây thắt lưng các loại đều gắn mác nước ngoài được bán từ 600.000 đồng đến 1,6 triệu đồng. Chủ cửa hàng còn hướng dẫn khách cách phân biệt hàng thật - giả bằng mắt và tay! Tương tự, mắt kính "hiệu" các loại nhưng giá chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng trông rất giống hàng thật. Người bán còn quét mã trên mạng để "xác minh hàng chính hãng" nhằm thuyết phục khách mua.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho rằng thủ đoạn làm giả hiện nay ngày càng tinh vi, từ việc lập công ty "ma" ở nước ngoài, sử dụng giấy tờ hợp pháp để che đậy sai phạm, đến việc thuê địa điểm trong hẻm, ngõ cụt để sản xuất. Ông đề nghị các bộ, ngành thường xuyên chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn sớm hành vi vi phạm.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-pham-gia-tran-lan-ai-chiu-trach-nhiem-196250515214658305.htm
Zalo