Thực hư thông tin trứng gà 'lạ'
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội rộ lên các đoạn video, hình ảnh kèm lời bình cho rằng một số loại trứng gà có dấu hiệu 'lạ' như hai lòng đỏ, lòng trắng sền sệt như thạch, vỏ quá bóng... Không ít người tiêu dùng tỏ ra lo ngại về chất lượng trứng đang lưu hành trên thị trường.
Tin đồn lan rộng
Chỉ trong vài ngày, những đoạn video có tiêu đề như “trứng gà giả làm từ cao su”, “lòng trắng như keo dính”... đã nhận được hàng trăm ngàn lượt xem và chia sẻ. Điều đáng nói là trong hầu hết các clip này, người quay đều không đưa ra được bằng chứng khoa học cụ thể hay dẫn chứng kiểm định từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với sức mạnh lan tỏa của mạng xã hội, những nội dung mang tính giật gân vẫn nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn, vô tình gieo rắc tâm lý hoài nghi vào lòng người tiêu dùng.

Các đoạn video, hình ảnh về “trứng gà giả” gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ảnh minh họa: IT.
Ngày 17/5, Hiệp hội gia cầm Việt Nam đã gửi văn bản chính thức lên Bộ Công an, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đề nghị điều tra các cá nhân, tổ chức phát tán thông tin sai sự thật về trứng giả, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như hàng triệu hộ chăn nuôi cả nước.
Theo Hiệp hội gia cầm Việt Nam, từ khi những tin đồn thất thiệt được lan truyền, giá thu mua trứng gà tại nhiều trang trại trên cả nước vốn đang ở mức thấp hơn giá thành (khoảng 1.400 - 1.500 đồng/quả) nay đã rớt xuống chỉ còn 1.200 - 1.300 đồng/quả. Không những vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi gà trứng đang bị thua lỗ nặng, nguy cơ bị phá sản.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam - nhấn mạnh: “Đến thời điểm hiện nay trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học về việc sản xuất được trứng gà giả mà có đặc điểm giống như trứng gà tự nhiên. Thực tế ở nước ta, trước đây cũng như hiện nay chưa phát hiện trứng giả lưu thông trên thị trường. Vì vậy có thể khẳng định rằng, những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về sản xuất trứng gà giả ở trong nước là hoàn toàn bịa đặt”.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng đã đưa tin sai sự thật về trứng gà giả, không những gây hoang mang lo lắng cho người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi.
Sự thật về trứng gà giả
Trứng gà là một trong những thực phẩm phổ biến và thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Tuy nhiên, không ít người vẫn dễ bị dẫn dắt bởi hình ảnh lạ mắt như trứng hai lòng đỏ, trứng có màu sắc khác thường hoặc lòng trắng đặc như gel... mà không biết rằng đây có thể là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường trong chăn nuôi gia cầm.
Theo TS. Hoàng Tuấn Thành - Giám đốc Trung tâm Vigova, Phân viện chăn nuôi Nam Bộ: “Trứng 2 lòng đỏ là hiện tượng sinh lý bình thường của gia cầm. Tỷ lệ trứng gà 2 lòng được đẻ tự nhiên rất thấp. Trong chăn nuôi, cũng gần như không thể can thiệp tự nhiên để gà tăng đẻ trứng 2 lòng vì liên quan đến quá trình rụng trứng của gà. Nếu thực hiện bằng phương pháp thụ tinh thì không khả thi vì chi phí cũng rất cao".

Trứng 2 lòng đỏ là hiện tượng sinh lý bình thường của gia cầm. Ảnh minh họa: IT.
Về mặt kinh tế, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - khẳng định: "Sản lượng trứng gà trong nước rất lớn và giá thành thấp. Mỗi tháng, chỉ riêng Đồng Nai đã cung cấp khoảng 111 triệu quả trứng. Sản lượng lớn nên giá trứng gà, trứng vịt ở Việt Nam khá rẻ, người có thu nhập thấp cũng có thể mua trứng để ăn hàng ngày. Những kẻ làm hàng giả thường chọn những mặt hàng có giá trị cao để làm giả nhằm thu lợi nhuận lớn chứ không ai làm trứng giả. Do đó, kể cả trong trường hợp đã có công nghệ làm trứng giả, cũng không có ai làm trứng giả ở Việt Nam".
Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, chọn lọc thông tin một cách có trách nhiệm. Thay vì hoang mang vì tin đồn chưa kiểm chứng, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm tại những địa chỉ uy tín, có chứng nhận an toàn thực phẩm và nguồn gốc rõ ràng. Chỉ có như vậy, niềm tin với nông sản trong nước mới được giữ vững và lan tỏa.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM - khẳng định: Hành vi đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, đặc biệt là những nội dung chưa được kiểm chứng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Cụ thể, theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP), người cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống cá nhân, tổ chức trên mạng có thể bị xử phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng đối với tổ chức và từ 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân. Đồng thời, bị buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Trường hợp hành vi phát tán thông tin gây hậu quả nghiêm trọng, có tính chất xuyên tạc, kích động, gây rối trật tự công cộng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân, tổ chức thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự.