Thực hư chuyện Triều Tiên gửi quân sang Nga để tham chiến ở Ukraine

Cả Ukraine và Hàn Quốc cùng khẳng định quân Triều Tiên đã có mặt tại Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc xung đột quân sự với Kiev. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng và Moscow cùng phủ nhận cáo buộc này. Mỹ tỏ ra lo ngại trước kịch bản quân Triều Tiên hiện diện trên chiến trường Ukraine.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trước Quốc hội Ukraine mới đây rằng Triều Tiên là bên tham chiến trên thực tế trong cuộc xung đột tại Ukraine và đứng về phía Nga. Ông Zelensky tiết lộ, tình báo Ukraine đã phát hiện ra rằng Bình Nhưỡng đang chuyển không chỉ vũ khí mà còn cả quân nhân Triều Tiên tới Nga.

Xe thiết giáp Nga bị phá hủy ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Getty.

Xe thiết giáp Nga bị phá hủy ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Getty.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã từ lâu chỉ trích mối quan hệ quân sự đậm sâu giữa Nga và Triều Tiên Ba nước Mỹ - Nhật - Hàn mới đây công bố một nhóm chuyên giám sát các lệnh trừng phạt vũ khí nhằm vào Triều Tiên.

Vậy mức độ sâu trong hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên là như thế nào?

Rộ tin Triều Tiên gửi quân sang Nga

Theo Ukraine và Hàn Quốc, chuyện này là có thật. Vào ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun nói với các chính trị Hàn Quốc rằng khả năng cao có quân nhân Triều Tiên tử vong khi Ukrainetấn công gần Donetsk vào ngày 3/10.

Còn vào ngày 18/10, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc nói rằng các tàu hải quân Nga chuyển 1.500 binh sĩ Triều Tiên tới thành phố cảng Vladivostok từ ngày 8-13/10.

Tuy nhiên, Nga đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc cho rằng nhân lực Triều Tiên đang có mặt tại Nga.

Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hồi đầu tháng 10: “Đây là một tin giả nữa”.

Giới chuyên gia cho rằng “không thể loại trừ khả năng đó”. Edward Howell - giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford, nói với al Jazeera: “Chúng ta biết rằng Nga cần nhân lực”.

Ông Howell cho rằng ngay cả khi Triều Tiên không gửi bộ binh giúp Nga thì “cũng khó hạ thấp khả năng Triều Tiên gửi công binh cũng như nhân lực nhằm hỗ trợ theo dõi và giám sát việc sử dụng vũ khí do Triều Tiên cung cấp, trên chiến trường Ukraine”.

Howell là chuyên gia nghiên cứu về chính trị và quan hệ quốc tế của Triều Tiên, bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Á.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cáo buộc Triều Tiên gửi quân sang Ukraine để chiến đấu hỗ trợ Nga. Trong phát biểu qua video, ông Zelensky nói rằng “đây không còn là việc chuyển giao vũ khí nữa mà đã là việc đưa cả người sang”.

Trong khi đó Mỹ bày tỏ quan ngại trước tin tức về sự hiện diện quân sự của Triều Tiên ở Ukraine; tuy nhiên, Mỹ chưa độc lập đưa ra lời cáo buộc nào nào nhằm vào Bình Nhưỡng.

Tướng Charles Flynn - chỉ huy của Lục quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đánh giá rằng nếu nhân lực Triều Tiên tham chiến tại Ukraine, họ sẽ nhận được phản hồi thực tế về vũ khí của mình được sử dụng tại đó.

Tướng Flynn cho rằng phản hồi đó sẽ giúp Triều Tiên điều chỉnh vũ khí, đạn dược, năng lực và cả nhân sự.

Thỏa thuận quốc phòng giữa Triều Tiên và Nga có nội dung gì?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hiếm khi ra nước ngoài nhưng ông đã thăm Nga vào tháng 9/2023 và mời Tổng thống Nga Putin thăm Triều Tiên.

Hồi tháng 6/2024, Tổng thống Putin đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của mình đến Triều Tiên trong 24 năm. Vào dịp này, hai bên ký một thỏa thuận tương trợ quốc phòng. Ngôn từ chính xác trong văn bản này chưa được công bố nhưng có điều khoản về tương trợ quy định hai nước sẽ trợ giúp quân sự cho nhau nếu một trong hai nước bị tấn công.

Và rồi vào ngày 6/8/2024, quân Ukraine đã đột kích vào lãnh thổ Nga (tại tỉnh Kursk). Về lý thuyết, điều này sẽ kích hoạt điều khoản tương trợ quốc phòng giữa Nga và Triều Tiên.

Tin đồn Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga

Mỹ, Ukraine và Hàn Quốc đều khẳng định Triều Tiên có cung cấp vũ khí cho Nga, trong khi Nga và Triều Tiên cùng phủ nhận.

Vào ngày 9/10, quân đội Ukraine tuyên bố họ đã tập kích một kho vũ khí của Nga, bao gồm vũ khí do Triều Tiên gửi cho Nga.

Trong một thông cáo chung trước đó, vào ngày 23/6, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nói rằng họ lên án hợp tác quân sự ngày một sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên, bao gồm “việc tiếp tục chuyển vũ khí từ Triều Tiên sang Nga”.

Ngày 27/2, Bộ trưởng quốc phòng khi đó của Hàn Quốc là Shin Won-sik nói rằng Triều Tiên gửi khoảng 6.700 container chưa hàng triệu viên đạn cho Nga, kể từ tháng 9/2023, để đổi lấy lương thực và nguyên liệu thô dùng trong chế tạo vũ khí.

Hồi tháng 3/2024, Nga đã phủ quyết việc Liên Hợp Quốc gia hạn cho nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc giám sát việc Triều Tiên tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: al Jazeera

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thuc-hu-chuyen-trieu-tien-gui-quan-sang-nga-de-tham-chien-o-ukraine-post1129690.vov
Zalo