Thực học, thực làm - giải pháp nâng chất lượng nhân lực ngành du lịch

Hội nhập mở ra cánh cửa cho du lịch, nhưng cũng phơi bày lỗ hổng nhân lực. Thiếu chuyên môn, ngoại ngữ hạn chế, ngành du lịch Việt Nam đang tìm lời giải cho bài toán nguồn nhân lực trước áp lực cạnh tranh quốc tế.

Đặt trung tâm thực hành ngay trong trường học

Hiện cả nước có 195 cơ sở đào tạo về du lịch, gồm 65 trường đại học có ngành du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Ngoài ra, có 2 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp tham gia đào tạo về du lịch, cung cấp khoảng 20.000 nhân sự mỗi năm, trong khi nhu cầu thực tế của ngành lên tới 400.000 lao động.

Trong số này, tỷ lệ lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm khoảng 9,7%; trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chiếm khoảng 50%, còn lực lượng dưới sơ cấp chiếm đến hơn 39%. Đặc biệt, chỉ 43% tổng số lao động đang làm việc trong ngành du lịch từng được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.

Đánh giá về nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam, GS. Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA), Hiệu trưởng Trường Quản trị khách sạn quốc tế Imperial cho hay, các doanh nghiệp du lịch thường xuyên phải đào tạo lại, do phần lớn nhân sự được tuyển chưa đáp ứng ngay yêu cầu công việc.

Nếu việc đào tạo không sát với thực tế, ngành du lịch khó giữ chân được nhân tài.

- PGS-TS. Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Gia đình và Công tác xã hội (Trường đại học Văn hóa)

Theo GS. Đào Mạnh Hùng, 3 nội dung quan trọng nhất trong đào tạo ngành du lịch là kỹ năng, thái độ phục vụ và năng lực ngoại ngữ. Đó là những điều căn bản, nhưng không dễ đạt được nếu chương trình đào tạo và mô hình thực hành không được thiết kế hợp lý.

Trên thực tế, số lượng sinh viên ngành du lịch ngày càng tăng, trong khi cơ hội thực hành tại doanh nghiệp lại hạn chế. Ngay cả những doanh nghiệp tâm huyết với đào tạo cũng khó có thể tiếp nhận hàng trăm sinh viên cùng lúc. Đây chính là điểm nghẽn lớn.

Tuy nhiên, vẫn có lối ra nếu chúng ta dám nghĩ khác, làm khác. Một trong những giải pháp đó là xây dựng mô hình doanh nghiệp phối hợp với nhà trường đặt trung tâm thực hành ngay trong khuôn viên trường học.

Mô hình này đã được triển khai thí điểm tại Trường Quản trị khách sạn quốc tế Imperial, nơi tích hợp doanh nghiệp vào trong nhà trường, giúp sinh viên được học đi đôi với hành mỗi ngày.

Chương trình tại Imperial quy định rõ ràng: 70% thời lượng là thực hành và 30% là lý thuyết. Phần lý thuyết không tách rời thực tế, mà được xây dựng thành các mô hình ứng dụng giúp sinh viên học lý thuyết trên cơ sở trải nghiệm thực tiễn. GS. Đào Mạnh Hùng cho biết, sẽ kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, tạo cơ chế thúc đẩy và nhân rộng mô hình học tập này trong toàn ngành.

Dưới góc nhìn của người làm công tác quản lý và đào tạo nguồn nhân lực, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội chia sẻ, chương trình đào tạo hiện nay của nhà trường đang được thiết kế theo hướng tích hợp, bám sát xu thế phát triển của ngành và nhu cầu từ thị trường lao động. Cụ thể, chương trình gồm 3 hợp phần cốt lõi: kiến thức, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp.

Hiện, nhiều doanh nghiệp quốc tế đến từ các quốc gia có ngành du lịch phát triển như Nhật Bản, Đức, Singapore hay Trung Quốc đã chủ động tiếp cận các cơ sở đào tạo tại Việt Nam để đặt hàng nguồn nhân lực cho mục tiêu xuất khẩu lao động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ.

Những doanh nghiệp này đưa ra yêu cầu rất rõ ràng và cụ thể: sinh viên không chỉ cần có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt, mà còn phải hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa và quốc tế, đồng thời thể hiện được phong cách làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật, phù hợp với môi trường quốc tế khắt khe.

Cần một cuộc cải cách chương trình đào tạo

Việc cùng nhau kiến tạo một hệ sinh thái giáo dục nghề nghiệp thống nhất, hiệu quả và mang tính thực chất sẽ là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, dù áp dụng mô hình, phương pháp hay chiến lược đổi mới nào, cuối cùng vẫn phải đối diện với câu hỏi cốt lõi: sinh viên ra trường có thực sự sống được bằng nghề mình đã học hay không?

Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch vẫn phải rẽ hướng, làm trái nghề để mưu sinh, trong khi thị trường vẫn khát nhân lực chất lượng cao. Điều đó cho thấy một nghịch lý đang tồn tại giữa nhu cầu xã hội và khả năng cung ứng của hệ thống đào tạo.

Thay vì tiếp tục đổ lỗi cho sinh viên chưa đủ năng lực hay doanh nghiệp thiếu chia sẻ, đã đến lúc, cần một cuộc cải cách chương trình đào tạo. Theo đó, các cơ sở đào tạo cần tái cấu trúc chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo ra những người học không chỉ có bằng cấp, mà còn có thể làm nghề, sống được với nghề và tiến xa cùng nghề.

PGS-TS. Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Gia đình và Công tác xã hội (Trường đại học Văn hóa) cho rằng, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc kết nối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia thực tập và làm việc thực tế thường xuyên.

“Chỉ khi được trải nghiệm môi trường làm việc thực tiễn, sinh viên mới có thể tích lũy đủ bản lĩnh và kỹ năng để gia nhập thị trường lao động một cách chuyên nghiệp. Nếu việc đào tạo không sát với thực tế, ngành du lịch khó giữ chân được nhân tài”, PGS-TS. Bùi Thanh Thủy nhấn mạnh.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuc-hoc-thuc-lam---giai-phap-nang-chat-luong-nhan-luc-nganh-du-lich-d269034.html
Zalo