Thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới

Hoàn thiện hệ thống giao thông (GT) nông thôn là một trong những điều kiện quan trọng để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Vì thế, để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm qua các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng GT nông thôn, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Đường giao thông nông thôn tại thôn Giang Sơn 10, xã Hà Sơn (Hà Trung) được nâng cấp và chỉnh trang theo tiêu chí mới.

Không chỉ huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, mở đường và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, ra quân làm đường GT nông thôn.

Xã Thanh Kỳ (Như Thanh) thuộc vùng 135 của tỉnh. Tại đây các điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu. Mặc dù đặt mục tiêu về “đích” NTM năm 2023, song tính đến tháng 4-2023, xã Thanh Kỳ mới đạt 10/19 tiêu chí. Trong đó, GT là 1 trong 9 tiêu chí chưa hoàn thành. Hiện toàn xã đã bê tông hóa 16,431 km đường GT, đạt 100%, tỷ lệ đường thôn, bản và đường liên thôn, bản ít được cứng hóa, đạt 81%, bảo đảm việc lưu thông cho người dân. Trong đó, có hơn 70% đường GT được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, với mặt đường >3 m, nền đường >4 m. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Viện cho biết: Là xã miền núi khó khăn lại có địa giới hành chính rộng nên việc huy động nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng GT là rất khó. Nhất là ở thời điểm hiện nay Bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM được ban hành lại càng trở thành thử thách lớn đối với địa phương.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã huy động nguồn lực và khơi dậy sự đồng lòng của người dân tiến hành múc rãnh, đắp lề các trục đường xã bảo đảm bề rộng nền đường 6,5m, chỉ đạo các thôn đồng loạt ra quân phát quang 2 bên hành lang đường và nạo vét rãnh dọc bên đường các trục thôn và ngõ xóm. Nhờ đó, dự kiến 100% các tuyến GT nông thôn trên địa bàn xã sẽ hoàn thành, bảo đảm tiêu chí NTM trong tháng 6-2023, góp phần đưa xã Thanh Kỳ về đích NTM trong năm 2023.

Để góp phần thay đổi diện mạo mới cho khu vực nông thôn, người dân các địa phương đã hiến đất làm đường và đóng góp kinh phí xây dựng, chỉnh trang hàng nghìn tuyến GT. Dẫn chúng tôi đi trên những con đường mới được thảm bê tông nhựa láng mịn, sạch đẹp ở thôn Giang Sơn 10, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Sơn (Hà Trung) Nguyễn Văn Ngọ cho biết: Hà Sơn đang trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó, tiêu chí GT là một trong những khâu quan trọng mà xã đã và đang huy động nguồn lực để hoàn thiện. 4 tháng đầu năm 2023 xã đã huy động hơn 24,8 tỷ đồng xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó, đối với tiêu chí GT, xã đã đầu tư 1,2 tỷ đồng để thi công 1,3 km rãnh thoát nước có nắp đậy và sửa chữa các tuyến đường trục thôn tại 5 thôn: Ngọc Sơn, Giang Sơn 10 và Hà Hợp. Nhờ đó, toàn bộ các tuyến đường GT trên địa bàn đã được “thay áo mới” bằng thảm nhựa, bê tông, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng... góp phần đổi mới diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, đi lại của Nhân dân.

Với chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng GT để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo đà hoàn thiện các tiêu chí NTM, trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 4 - 2023, huyện Hà Trung đã cứng hóa thêm được 33,92 km, nâng cấp, cải tạo 20,19 km đường GT nông thôn, nâng cấp cải tạo 7,8 km, làm mới 35,5 km rãnh thoát nước có nắp đậy trong khu dân cư... Nhờ đó, toàn huyện đã có 17 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện, huyện đang trình thẩm định, công nhận 2 xã còn lại là Hà Giang, Hà Ngọc đạt chuẩn NTM năm 2023. Dự kiến đến hết năm 2023 cả 19/19 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Hà Trung đạt chuẩn huyện NTM.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2022, cùng với nguồn vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 2.779 km đường GT nông thôn, góp phần hiện đại hóa, kết nối lưu thông giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh.

Tuy nhiên, đối với một số địa phương, nhất là khu vực miền núi, hệ thống GT nông thôn lớn, suất đầu tư cao, trong khi đó ngân sách Nhà nước phân bổ trực tiếp còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống người dân còn khó khăn nên việc huy động sức dân để xây dựng đường nội đồng, đường thôn, xóm ở những địa phương vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn. Ngoài ra, các tuyến đường GT nông thôn chủ yếu được nâng cấp trên tuyến đã có sẵn nên các tiêu chuẩn kỹ thuật phần lớn chưa đạt về bề rộng nền và mặt đường, không có lề đường, rãnh thoát nước...

Để thực hiện các tiêu chí NTM, trong đó có tiêu chí về GT theo chuẩn mới, các địa phương cần tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước; chủ động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hạ tầng GT nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, huy động từ các doanh nghiệp tham gia xây dựng, sửa chữa, mở rộng hệ thống đường GT nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/thuc-hien-tieu-chi-giao-thong-trong-xay-dung-nong-thon-moi/186366.htm
Zalo