Thực hiện rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về thuế

Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện rà soát các doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu rủi ro về thuế và các khoản thu khác đối với DN hoàn thuế giá trị gia tăng.

 Tổng cục Hải quan yêu cầu rà soát tình trạng nợ thuế và các khoản thu khác đối với các DN hoàn thuế GTGT xuất khẩu. Ảnh minh họa: T.H

Tổng cục Hải quan yêu cầu rà soát tình trạng nợ thuế và các khoản thu khác đối với các DN hoàn thuế GTGT xuất khẩu. Ảnh minh họa: T.H

Cụ thể, cơ quan này yêu cầu rà soát tình trạng nợ thuế và các khoản thu khác đối với các DN hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuất khẩu từ năm 2020 đến tháng 8/2024, đến nay, đã chuyển trạng thái mã số thuế về trạng thái không hoạt động tại địa chỉ, tạm ngừng kinh doanh, đang làm thủ tục đóng mã số thuế và thực hiện rà soát các khoản nợ thuế, các khoản thu khác.

Trong trường hợp DN còn nợ thuế và các khoản thu khác, cơ quan Hải quan thực hiện các biện pháp theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định 126/2020/NĐ-CP để thu hồi nợ thuế và các khoản thu khác (nếu có).

Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị rà soát tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế. Theo đó, các đơn vị căn cứ khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Tại khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP; khoản 4 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng quy định các trường hợp cơ quan Hải quan thực hiện ấn định thuế. Tại khoản 8 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng quy định: “Trường hợp hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế, người khai thuế cầm cố, thế chấp để làm tài sản đảm bảo các khoản vay, người khai thuế chưa kê khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ thuế theo quy định của pháp luật về hải quan nhưng tổ chức tín dụng phải xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ theo quy định tại điểm m khoản 4 điều này thì tổ chức tín dụng có trách nhiệm nộp thuế thay cho người khai thuế”.

Đối chiếu với các quy định hiện hành, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị rà soát các dự án đã được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, hồ sơ nhập khẩu hàng hóa miễn thuế, thực tế sử dụng hàng hóa miễn thuế của các DN.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trường hợp Hải quan phát hiện DN nhập khẩu hàng hóa cho dự án ưu đãi đầu tư đã được miễn thuế nhập khẩu nhưng thay đổi mục đích sử dụng, chưa kê khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ thuế theo quy định thì thực hiện ấn định thuế và xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế, người khai thuế cầm cố, thế chấp để làm tài sản bảo đảm các khoản vay, người khai thuế chưa kê khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ thuế theo quy định của pháp luật về hải quan nhưng tổ chức tín dụng phải xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo quy định để thu hồi nợ thì tổ chức tín dụng có trách nhiệm nộp thuế thay cho người khai thuế theo quy định tại khoản 8 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/thuc-hien-ra-soat-cac-doanh-nghiep-co-dau-hieu-rui-ro-ve-thue-168959.html
Zalo