Thực hiện phiếu tái khám, phiếu chuyển tuyến điện tử tạo thuận lợi cho người dân
Ngày 2/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Thông tư 01 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ vừa ban hành vào ngày đầu tiên của năm 2025.
Thông tư số 01 thay thế Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, khắc phục những hạn chế tồn tại. Đây là hành lang pháp lý quan trọng hướng dẫn việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển cơ sở khám chữa bệnh BHYT cho trên 13.000 cơ sở y tế trên cả nước.
Theo đó, Thông tư quy định về cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển cơ sở khám chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT. Việc sử dụng phiếu hẹn khám lại, phiếu chuyển cơ sở khám chữa bằng cả bản giấy và bản điện tử. Việc này nhằm thể chế hóa giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại điện tử được thí điểm tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử Quốc gia VNeID.
Việc triển khai phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh BHYT điện tử và Phiếu hẹn khám lại điện tử sẽ giúp công khai, minh bạch việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm thủ tục chuyển người bệnh, tái khám, hạn chế gian lận, giả mạo trong việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh và tái khám.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2024, cả nước có hơn 1,5 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 5 triệu giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam. Trong đó đã đồng bộ sang Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư gần 600.000 giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 2,1 triệu giấy hẹn khám lại để hiển thị lên ứng dụng VNeID.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang, đây là lần đầu tiên Bộ Y tế có danh mục bệnh được thông tuyến. Quy định này đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, để người bệnh được điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà tuyến dưới không làm được, giảm thủ tục chuyển tuyến để tiết kiệm chi phí, giảm chi tiền túi của người dân
Bên cạnh đó, Thông tư 01 cũng đưa ra danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng BHYT theo quy định.
Trong đó có danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được KCB tại cơ sở y tế cấp chuyên sâu; danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được KCB tại cơ sở y tế cấp cơ bản; danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở KCB trong vòng một năm, kể từ ngày ký phiếu chuyển, thay cho kết thúc năm dương lịch trước đây.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phổ biến, triển khai thực hiện ngay các quy định của Thông tư để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân.