Thực hiện nghiêm quy định về dự hội nghị

Những cuộc họp, hội nghị (sau đây gọi chung là hội nghị) có vai trò rất quan trọng đối với bất kỳ một tổ chức, tập thể nào.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 21/8/2024. Ảnh: Minh họa.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 21/8/2024. Ảnh: Minh họa.

Mục đích tổ chức hội nghị để học tập, quán triệt; triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, công việc; rút ra các bài học, chia sẻ kinh nghiệm; đấu tranh với những nhận thức và việc làm chưa đúng của các thành viên; sơ, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp... thực hiện công việc trong thời gian tới. Vì vậy, việc dự hội nghị lại càng quan trọng và không thể xem nhẹ, đòi hỏi các đại biểu dự phải đúng, đủ thành phần, đến đúng giờ để bàn thảo, xem xét thấu đáo vấn đề nhằm đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác.

Ở tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, địa phương, đơn vị đã chấp hành và thực hiện khá nghiêm túc các quy chế, quy định, chế độ tổ chức hội nghị, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng một số đại biểu chấp hành và thực hiện chưa nghiêm quy định về chế độ hội nghị như: Vắng mặt không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời; không tham dự đầy đủ cho đến khi kết thúc hội nghị...

Trước tình hình đó, ngày 8/8/2024, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký Công văn số 2459-CV/TU về việc thực hiện quy định về dự các cuộc họp, hội nghị do tỉnh tổ chức. Công văn nêu rõ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, địa phương, đơn vị khi xây dựng lịch tổ chức các hội nghị ở đơn vị, địa phương mình không được trùng với lịch công tác của tỉnh (trừ trường hợp thật cần thiết).

Việc cử cán bộ tham dự các hội nghị bảo đảm theo đúng thành phần, thời gian mà Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã mời, triệu tập. Trường hợp cán bộ được mời, triệu tập dự hội nghị bận công tác đột xuất, không thể tham dự thì phải báo cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản với lãnh đạo chủ trì hội nghị về việc vắng mặt và đề xuất phân công đại diện lãnh đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị đi họp thay (trừ trường hợp đã có văn bản của cấp có thẩm quyền cử đi học hoặc đi công tác nước ngoài). Không cử người không đúng thẩm quyền tham dự hội nghị, đồng thời phải thông tin cho cơ quan chủ trì phục vụ tổ chức hội nghị biết, tổng hợp danh sách báo cáo lãnh đạo chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị có trách nhiệm nghiên cứu kỹ trước các tài liệu, chuẩn bị ý kiến ngắn gọn, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, thể hiện rõ quan điểm trong quá trình thảo luận và quyết định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của hội nghị, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu nội dung có thể trưng tập thêm một cán bộ thuộc khối tổng hợp hoặc người trực tiếp tham mưu xử lý nội dung cùng tham dự.

Đại biểu tham dự phải chấp hành đầy đủ thời gian, chương trình hội nghị, kể cả hội nghị trực tiếp và trực tuyến, có mặt trước thời gian tổ chức hội nghị ít nhất 5 phút để ổn định tổ chức; không tự ý ra ngoài, về khi hội nghị chưa kết thúc. Thực hiện nghiêm túc các quy định về trang phục, tác phong nơi công sở, văn hóa hội họp, không đọc báo, không nói chuyện riêng; điện thoại để chế độ im lặng, hạn chế sử dụng điện thoại, ra ngoài phòng họp khi không thật cần thiết...

Có lẽ không phải "bỗng nhiên" mà người đứng đầu cấp ủy của tỉnh ta có Công văn chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu về việc tham dự hội nghị. Có thể hiểu rằng hiện nay, đã và đang có các đồng chí lãnh đạo ít, nhiều vi phạm quy chế, quy định về hội nghị nên đây là một hình thức đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở, phê bình thủ trưởng cấp ủy, địa phương, đơn vị về việc không thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa hội nghị.

Việc không chấp hành nghiêm quy định về dự hội nghị của cán bộ có thể còn được xem xét là biểu hiện suy thoái theo Hướng dẫn số 04-HD/TU ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhận diện nội dung cơ bản của các biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh ta những năm gần đây, nhất là qua 8 tháng năm 2024 đang có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành... thông qua các hội nghị.

Hiện nay, việc tổ chức hội nghị ở tỉnh ta đã có nhiều đổi mới, cải tiến đáng kể như: Nội dung cụ thể, thành phần gọn, nhẹ; hình thức kết hợp bằng cả trực tiếp hoặc trực tuyến. Tuy vậy, mặc dù đã có sự chỉ đạo giảm hội họp, song thực tế vẫn còn nhiều hội nghị, dẫn đến tình trạng một số thủ trưởng cấp ủy cơ quan, địa phương... liên tục bận họp.

Ở những cơ quan, đơn vị có ít lãnh đạo còn không đủ người để cử đi dự các hội nghị nên thiếu thời gian để giải quyết công việc chuyên môn... Tổ chức hội nghị là cần thiết vì không họp thì không thể giải quyết được công việc, nhưng tổ chức hội nghị như thế nào cho thiết thực, hiệu quả là cả một "bài toán" khó, chưa dễ tìm ra lời giải. Chỉ biết rằng đã là công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, việc đi dự hội nghị là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ nên phải chấp hành và thực hiện đúng, nghiêm túc các quy chế, quy định về hội, họp.

Nguyễn Đông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-hien-nghiem-quy-dinh-ve-du-hoi-nghi/d20240830151711530.htm
Zalo