Thực hiện Nghị quyết số 68 – NQ/TW với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thẩm quyền

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động rất quyết liệt; phân công nhiệm vụ bảo đảm 6 rõ 'rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả'.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đạt Chuyên đề 1 về "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt Chuyên đề 1 về "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Ảnh: Hồ Long

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt Chuyên đề 1 về "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Ảnh: Hồ Long

Kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế

Khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong gần 40 năm qua, từ khi Đổi mới đến nay, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế tư nhân đã được thể hiện rõ tại các văn kiện, văn bản: các Văn kiện Đại hội Đảng; các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong gần 40 năm qua có thể được khái quát thành 5 giai đoạn: giai đoạn 1986 - 1999: Hình thành và được thừa nhận kinh tế tư nhân; Giai đoạn 2000 - 2005: Khởi sắc với Luật Doanh nghiệp; Giai đoạn 2006 - 2015: Hội nhập và mở rộng; Giai đoạn 2016 - 2024: Khởi nghiệp bùng nổ và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; Giai đoạn từ năm 2025 trở đi: Định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế tự chủ, bền vững.

Kinh tế tư nhân đã liên tục phát triển, khẳng định vị thế: là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.

Mặc dù vậy, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt Chuyên đề 1 về "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Ảnh: Quang Khánh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt Chuyên đề 1 về "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Ảnh: Quang Khánh

Không cầu toàn, không nóng vội

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bối cảnh mới nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải: Đổi mới tư duy, nhận thức, tầm nhìn; Quyết liệt hành động; Khơi thông mọi động lực cho phát triển đất nước. Đặc biệt là sự cấp thiết phải xóa bỏ mọi định kiến, phát huy vai trò, tạo sự đột phá phát triển kinh tế tư nhân để thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Do đó, trong một thời gian ngắn, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW. Về mặt chủ trương, đường lối và pháp lý đã có một bước tiến rất lớn, rất dài và rất nhanh. Trong quá trình thực hiện sẽ hoàn chỉnh dần, mở rộng, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng cho biết, Nghị quyết số 68-NQ/TW có 5 quan điểm chỉ đạo:

Một là, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thực tiễn đổi mới ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.

Hai là, Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là trong Nhân dân. Một trong những bài học kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong suốt 95 năm qua xác định Nhân dân là chủ thể, Nhân dân làm nên lịch sử, Nhân dân tạo ra sức mạnh, không có sức mạnh của Nhân dân thì không làm được.

Ba là, xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực để bảo đảm doanh nhân, doanh nghiệp được tôn trọng, được tôn vinh.

Bốn là, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động một phong trào là ‘Toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Năm là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, thương trường là chiến trường, thổi hồn, tạo động lực truyền cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân chiến đấu quên mình vì Tổ quốc, hy sinh vì Tổ quốc mới thành công được.

Về mục tiêu của Nghị quyết số 68-NQ/TW, Thủ tướng cho biết, cần phải thực sự thực hiện kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, phải chứng minh được trong nhận thức, trong xây dựng cơ chế chính sách, trong xây dựng pháp luật và trong tổ chức thực thi pháp luật.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Làm sao có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế đến năm 2023 và xây dựng được ít nhất 20 doanh nghiệp hoạt động có tính chất đa quốc gia tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.

Tầm nhìn đến năm 20245, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Muốn thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng cho biết trong Nghị quyết 68 đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh, với 3 đột phá chiến lược, với công cuộc cách mạng về tổ chức và 4 nghị quyết của Bộ Chính trị đã thể hiện tinh thần chiến đấu rất cao và thể hiện sự quan tâm rất đặc biệt để phát triển doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của Đảng và Nhà nước thì cần cả nỗ lực của doanh nghiệp mới có thể thành công được.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Theo Thủ tướng, trong nội dung trọng tâm của 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển kinh tế tư nhân hiện nay. Đó là: đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường kết nối doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 – NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, các Ban Đảng ở Trung ương, Đảng ủy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW.

Trong đó, theo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ kèm theo Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

“Phương châm đặt ra là phải tập trung thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động rất quyết định, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó. Phân công nhiệm vụ bảo đảm 6 rõ là rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện để thực hiện thành công Nghị quyết 68-NQ/TW, hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh với các cấp, các ngành, các địa phương để sớm đưa Nghị quyết 60-NQ/TW vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, bám sát 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể.

Cụ thể, Chính phủ đưa ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể gồm: về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động (gồm 5 nhiệm vụ) và đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan truyền thông thực hiện; về cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm thực thi hợp đồng (gồm 50 nhiệm vụ); về tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao (gồm 31 nhiệm vụ); về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh (gồm 4 nhiệm vụ); về tăng cường kết nối giữa các loại hình doanh nghiệp (gồm 6 nhiệm vụ); về hình thành, phát triển các doanh nghiệp vừa và lớn (gồm 7 nhiệm vụ); về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh (gồm 5 nhiệm vụ); về đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân (gồm 12 nhiệm vụ).

Các nhóm nhiệm vụ về cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm thực thi hợp đồng; về tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; đào tạo10.000 giám đốc có kỹ năng quản trị tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. … đều được phân nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Nêu rõ phương hướng thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, nhóm nhiệm vụ về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang triển khai; nhóm nhiệm vụ về tăng cường kết nối giữa các loại hình doanh nghiệp giao cho Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan…

“Các nhóm nhiệm vụ đều được thực hiện đúng phương châm 6 rõ là rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”, Thủ tướng khẳng định.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngày 17/5/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/ QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đã quy định về cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

“Quốc hội đã rất quyết tâm, quyết liệt, làm ngày, làm đêm để hoàn thành thủ tục, quy trình xem xét, thông qua Nghị quyết số 198/2025/ QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết rất cao thể hiện rõ tinh thần trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Nhấn mạnh ý nghĩa của Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.

P. Thủy - T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thuc-hien-nghi-quyet-so-68-nq-tw-voi-quyet-tam-cao-no-luc-lon-bao-dam-ro-nguoi-ro-viec-ro-trach-nhiem-va-tham-quyen-10372828.html
Zalo