Thực hiện ngay những giải pháp cấp bách gỡ 'thẻ vàng' IUU

Ngày 17/10, tại tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tham dự có lãnh đạo một số bộ ngành và 6 tỉnh ven biển gồm: Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu và Bình Định.

Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện IUU, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC) đến nay, theo dõi, xử lý đối với tàu cá từ 24m trở lên: vượt ranh giới cho phép trên biển là 17 tàu; mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên 6 giờ đến dưới 10 ngày trên biển là 752 tàu; mất kết nối quá 10 ngày trên biển là 120 tàu.

Hiện vẫn còn một số nhiệm vụ chống vi phạm IUU chậm khắc phục. Cụ thể, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tăng 12 tàu/16 ngư dân so với cùng kỳ năm 2023 (49 tàu/402 ngư dân). Lực lượng chức năng trong nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Các địa phương để xảy ra vi phạm nhiều là tỉnh Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau.

Việc đăng ký tàu cá được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mới đạt khoảng 89% (75.398/84.720 tàu), cấp giấy khai thác thủy sản còn hạn mới đạt khoảng 74%. Hiện cả nước còn 9.322 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm), tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong và giữa các tỉnh vẫn còn diễn ra thường xuyên.

Bộ NN&PTNT nhận định: Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ngày càng tinh vi bằng nhiều thủ đoạn, sử dụng tàu cá có chiều dài dưới 15m không lắp đặt thiết bị VMS, cố tình ngắt kết nối VMS khi nhận gần khu vực vùng biển giáp ranh; hoặc cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nêu kiến nghị gỡ 'thẻ vàng' IUU.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nêu kiến nghị gỡ 'thẻ vàng' IUU.

Là địa phương còn xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm IUU, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị: Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, nâng cao chất lượng thiết bị giám sát hành trình; bổ sung các tính năng cần thiết để kịp thời phát hiện hành vi tháo thiết bị; quy định giảm thời gian đưa tàu cá vào bờ để khắc phục tình trạng lợi dụng quy định (mất kết nối 10 ngày phải đưa tàu vào bờ) để vi phạm vùng biển nước ngoài; đề xuất quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị VMS tàu nhỏ hơn 15m đối với một số nghề đặc thù (như nghề câu mực) vì hiện nay có nhiều tàu nhỏ hơn 15m vẫn vi phạm vùng biển nước ngoài...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận thức, việc thực hiện các biện pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU không chỉ để tham gia thị trường châu Âu, mà phát triển ngành thủy sản bền vững, bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân, đồng thời thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; kiểm điểm trách nhiệm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, tồn tại trong công tác chống IUU như: Chưa kiểm soát được toàn bộ của tàu cá, nhất là tàu "3 không"; chưa rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong việc quản lý hoạt động tàu cá từ cửa sông đến cảng cá và trên biển; các quy định quản lý, xử lý tàu cá, chủ tàu vi phạm và công tác tổ chức thực hiện chưa sát với thực tiễn; việc lắp đặt, sử dụng thiết bị VMS chưa rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp thiết bị, dịch vụ cũng như chủ tàu.

Đối với tàu “3 không” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu: Trong tháng 11/2024, các địa phương phải hoàn thành việc đăng ký. Cục Kiểm ngư xây dựng chiến dịch cao điểm phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển kiểm soát toàn bộ tàu cá "3 không", tàu cá đã xóa số đăng ký, không để các tàu này hoạt động.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT phối hợp, khẩn trương kết nối, chia sẻ các địa phương, lực lượng chức năng (bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân) sử dụng cơ sở dữ liệu về tàu cá đăng ký, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như hoạt động của toàn bộ tàu cá trên biển; rà soát quy trình thủ tục hành chính kiểm định thiết bị, tàu cá, với tinh thần "khả thi, thiết thực, khoa học, bảo đảm an toàn"; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu mua, lắp đặt thiết bị VMS; có chế tài xử lý các hành vi cố tình ngắt tín hiệu, hoặc gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác như là hành vi xâm phạm tài sản công; cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị VMS trên biển…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gặp gỡ, trao đổi với ngư dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gặp gỡ, trao đổi với ngư dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Trước cuộc họp (chiều 16/10), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp đến thăm, động viên các chủ tàu cá, ngư dân tại cảng cá Sông Đốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Đồng thời lắng nghe ngư dân phản ánh những khó khăn trong việc tuân thủ các quy định về IUU.

Nguyên Du

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-hien-ngay-nhung-giai-phap-cap-bach-go-the-vang-iuu-10292513.html
Zalo