Thực hiện mục tiêu '3 an': Chủ trương đúng, dân an vui - Bài 2: Cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ thiết thực

Với mục tiêu bảo đảm 'an sinh', Bắc Giang đã thực hiện hàng loạt giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội cho công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát, đồng thời tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế. Hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Từ đó giúp hàng chục nghìn hộ gia đình khó khăn có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống, được bảo đảm cả về vật chất lẫn tinh thần, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát

Theo phương châm của Tỉnh ủy Bắc Giang đối với bảo đảm “an sinh” là việc triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội…, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau, mọi người đều được hưởng những thành quả phát triển kinh tế đem lại, hướng tới mục tiêu cao nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xuất phát từ thực tiễn, trong năm nay, Bắc Giang đặt mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo chính quyền, ngành, đoàn thể địa phương và doanh nghiệp trao nhà đại đoàn kết cho gia đình anh Đỗ Văn May, tổ dân phố Trung tâm, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa).

Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo chính quyền, ngành, đoàn thể địa phương và doanh nghiệp trao nhà đại đoàn kết cho gia đình anh Đỗ Văn May, tổ dân phố Trung tâm, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa).

Tháng 7/2024, anh Đỗ Văn May (SN 1991) ở tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) cùng 2 con nhỏ rất vui mừng khi tiếp nhận ngôi nhà mới được xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của huyện. Gia đình anh May thuộc diện nghèo, bản thân anh bị khuyết tật nhẹ. Ngôi nhà mới có tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Anh May tâm sự: “Giờ đây, bố con tôi không phải chịu cảnh nhà dột nát, các cháu có thêm điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn”.

Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến hết tháng 9/2024, toàn huyện hỗ trợ xây mới, sửa chữa 117 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng, hoàn thành toàn bộ chương trình trong năm.

Điểm nổi bật là huyện vận động cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, chiến sĩ lực lượng vũ trang có hưởng lương từ ngân sách, lao động tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương hoặc 1 ngày thu nhập. Các tổ chức, cá nhân còn lại ủng hộ tùy điều kiện và khả năng, có thể ủng hộ một lần hoặc nhiều lần.

Được biết, ngay sau khi Tỉnh ủy có chủ trương thực hiện “3 an”, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai chương trình, kế hoạch với mục tiêu cụ thể. Theo đó, từ tỉnh đến các huyện, thị xã, TP, các xã, phường, thị trấn đã sớm thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) do đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban; chỉ đạo tổ chức chặt chẽ việc rà soát, thẩm định ở cơ sở. Đồng thời tổ chức lễ phát động triển khai chương trình, với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương- xây dựng nghìn ngôi nhà đoàn kết”. Thông qua đó huy động sự hưởng ứng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Rất nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được triển khai. Đơn cử, ở huyện Tân Yên, song song với tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn huyện, hội đồng hương Tân Yên tại Hà Nội và phía Nam cùng cộng đồng DN và các mạnh thường quân chung tay ủng hộ. BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện đã xây dựng phương án hỗ trợ theo hướng kết nối cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình nhằm tạo sự đồng cảm, tăng niềm tin của nhà hảo tâm và giảm thủ tục hành chính. Kết quả, đến nay đã có 25 hộ thuộc nhóm nhà tạm, nhà dột nát và 14 hộ nghèo khác cải tạo nhà ở được hỗ trợ trực tiếp từ nhà tài trợ.

Cán bộ, hội viên phụ nữ, cựu chiến binh xã Tuấn Đạo (Sơn Động) đóng góp ngày công lao động giúp hộ nghèo trên địa bàn xây nhà ở.

Cán bộ, hội viên phụ nữ, cựu chiến binh xã Tuấn Đạo (Sơn Động) đóng góp ngày công lao động giúp hộ nghèo trên địa bàn xây nhà ở.

Không chỉ các địa phương, các ngành, đoàn thể cũng tích cực vào cuộc, như Liên đoàn Lao động tỉnh với chương trình “Mái ấm công đoàn”. Công an tỉnh phát động ủng hộ tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ; yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền tới nhân dân về chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Các cấp hội cựu chiến binh, phụ nữ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, từ nhận chỉ tiêu xây dựng, cải tạo nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn cho tới ủng hộ ngày công lao động, vật liệu để thực hiện chương trình tại cấp mình…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: “Công tác huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình được triển khai linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng, điều kiện trên tinh thần “ai có gì góp nấy”, từ kinh phí, ngày công vận chuyển, tháo dỡ, ủng hộ gạch, cay, sơn, cửa tới đồ dùng, vật dụng sinh hoạt cho hộ dân sau khi bàn giao nhà”.

Qua tổng hợp, đến tháng 9/2024, toàn tỉnh huy động kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu, đồ dùng sinh hoạt ước trị giá 75,7 tỷ đồng. Đã khởi công xây dựng, hoàn thành và bàn giao 960/968 nhà cho hộ nghèo và cận nghèo (đạt 99,17%); 223/232 nhà cho hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới (đạt 96,12%). Hy vọng đến hết năm nay, 100% nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ được thay thế bằng ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, đạt mục tiêu đề ra.

Tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo

Không chỉ chung tay xây dựng, sửa chữa nhà ở, giúp người nghèo, đối tượng chính sách có chỗ an cư, từ đầu năm 2024, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể còn chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để người nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững, vươn lên trong cuộc sống. Nổi bật là quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lạng Giang thăm mô hình chăn nuôi của hộ dân ở tổ dân phố Phi Mô, thị trấn Vôi vừa được hỗ trợ vay vốn thoát nghèo.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lạng Giang thăm mô hình chăn nuôi của hộ dân ở tổ dân phố Phi Mô, thị trấn Vôi vừa được hỗ trợ vay vốn thoát nghèo.

Tại huyện Lục Nam, cơ quan chuyên môn của huyện đã chủ động điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, đồng thời dự báo thị trường việc làm, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn. Điểm mới là sau các khóa học, người dân được hỗ trợ áp dụng nghề vừa được đào tạo vào thực tế và tìm kiếm việc làm phù hợp. Chỉ tính riêng 9 tháng, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp tổ chức 19 lớp đào tạo nghề cho hơn 700 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số với các nghề như: Trồng rau an toàn; chăn nuôi - thú y; trồng trọt; sửa chữa máy nông nghiệp; quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trồng rừng… Bà Lý Thị Phúc, dân tộc Dao ở thôn Điếm Rén, xã Trường Sơn (Lục Nam) bày tỏ: “Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng rừng kinh tế do xã, huyện tổ chức, chúng tôi có thêm kiến thức, phát triển kinh tế rừng hiệu quả, có thu nhập cao. Hiện gia đình tôi có khoảng 6 ha rừng trồng, từ đầu năm đến nay đã thu được gần 500 triệu đồng từ khai thác gỗ”.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2024, 9 huyện, thị xã trong tỉnh được phân bổ 35,5 tỷ đồng thực hiện dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Để khai thác tối đa hiệu quả nguồn vốn, các ngành, địa phương chủ động phân bổ, lồng ghép với các chương trình, chính sách hỗ trợ đặc thù; lựa chọn nhân rộng những mô hình sản xuất phù hợp với thực tế địa phương.

Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang thăm khám bệnh nhân đang điều trị nội trú.

Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang thăm khám bệnh nhân đang điều trị nội trú.

Đồng chí Dương Ngọc Chiên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2020-2025 về giảm nghèo bền vững là đến cuối giai đoạn, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn 1%. Với việc tập trung đa dạng hóa các hình thức giảm nghèo, trong đó trọng tâm là đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế…, kết thúc năm 2025, toàn tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bên cạnh quan tâm tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở còn tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ hệ thống an sinh xã hội, với 5 trụ cột: Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ xã hội, trợ giúp và ưu đãi xã hội. Đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có 387.969 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 7,98% so với cùng kỳ năm trước; 56.369 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 23,31%; 370.406 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 7,82% và 1.812.384 người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 2,26%.

Thực hiện mục tiêu bảo đảm “an sinh”, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh cũng đã quan tâm đến việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn đột xuất do thiên tai. Gần đây, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai sâu rộng các hoạt động ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Có thể nói, thực hiện tốt 5 trụ cột trên, cùng với quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo, có việc làm ổn định đã tạo điều kiện cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội được chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn, tạo ra một xã hội bình đẳng, văn minh.

(Còn nữa)

Nhóm Phóng viên nội chính

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-muc-tieu-3-an-chu-truong-dung-dan-an-vui-bai-2-cong-dong-trach-nhiem-ho-tro-thiet-thuc-223450.bbg
Zalo