Thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Bộ Y tế tập trung triển khai các biện pháp đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp y tế công lập; nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách tiền lương… phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024, được Bộ Y tế tổ chức sáng 9/1, tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ngành Y tế hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2023, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu về số lượng bác sỹ/vạn dân (12,5 bác sỹ/vạn dân); đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh/vạn dân); đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bào hiểm y tế (BHYT, 93,2%). Ngoài ra, ngành Y cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (8/9 chỉ tiêu).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Văn Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Văn Nam.

Trong công tác xây dựng thể chế, Bộ Y tế tiếp tục chú trọng và tập trung hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế và địa phương…

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 3 tập thể thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan mà ngành Y tế đang gặp phải cần được khắc phục, nhất là trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng; mô hình bệnh tật kép, già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật đã được tích cực xây dựng, từng bước hoàn thiện nhưng còn chưa đầy đủ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế. Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…

Qua nghe báo cáo và các ý kiến tham luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ ấn tượng về những kết quả của ngành Y tế, trong những năm qua. Nổi bật là y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hữu hiệu để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, ngành Y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là, cạnh tranh chiến lược, xung đột trên thế giới diễn biến phức tạp làm các chuỗi cung ứng nói chung bị đứt gãy, trong đó có thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… làm cơ cấu dịch bệnh có nhiều thay đổi; gánh nặng của bệnh không lây nhiễm tăng, trong khi bệnh truyền nhiễm vẫn còn nguy cơ cao; công tác ứng phó của ngành Y ngày càng khó khăn, vất vả…

Tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, cả nước phải tăng tốc và bứt phá, theo đó ngành y tế cần bám sát và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phương châm hành động của Chính phủ là: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế. Trong đó, toàn ngành tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế.

Đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Thứ hai, tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.

Thứ ba, tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh; tăng cường khả năng phân tích, dự báo và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trong năm 2024 Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng 2 bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.

Đồng thời, Bộ Y tế xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho các cơ sở y tế tiếp cận các nguồn vốn, bao gồm vốn vay ưu đãi của Chính phủ, vay thương mại để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…

Mở rộng độ bao phủ BHYT tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; nghiên cứu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và trình độ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương hoàn thành và triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cần tập trung rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành Y tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới.

Thứ sáu, tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Quyết liệt triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư trung ương Đảng để nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở./.

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-hien-lo-trinh-tinh-dung-tinh-du-gia-dich-vu-y-te-143231.html
Zalo