Thực hiện hiệu quả công tác khuyến công quốc gia năm 2025
Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương xác định thực hiện tốt công tác khuyến công quốc gia là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025.
Tích cực triển khai hoạt động xây dựng chính sách
Cục Công Thương địa phương thông tin, năm vừa qua, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là điểm sáng trong triển khai công tác của Cục.
Theo đó, Cục đã hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ ký ban hành 2 nghị định: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Xây dựng, trình lãnh đạo Bộ ký ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp, cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật nói trên được ban hành, Cục đã tổ chức các hội nghị phổ biến nội dung các văn bản trên phạm vi cả nước.
Cục Công Thương địa phương cũng đã xây dựng, trình lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định công bố thủ tục hành chính ban hành trong lĩnh vực cụm công nghiệp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương; Quyết định công bố thủ tục hành chính mới được ban hành và bị bãi bỏ trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.
Hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, trình lãnh đạo Bộ ký Tờ trình số 10693/TTr-CTĐP ngày 27/12/2024 trình Chính phủ đảm bảo tiến độ.
Ngoài ra, Cục cũng đã làm tốt công tác theo dõi Công Thương địa phương, chuẩn bị tài liệu và tháp tùng lãnh đạo Bộ làm việc với 19 địa phương, đã thực hiện giải quyết kiến nghị, đề nghị của các tỉnh, thành phố.
Có ý kiến đối với phương án phát triển cụm công nghiệp của các tỉnh, thành phố; ý kiến đối với đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đắk Lắk); xử lý kiến nghị của hơn 40 địa phương/cơ quan về quản lý, phát triển cụm công nghiệp…
Thực hiện tốt công tác phát triển tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nhiệm vụ khác được giao.
Tập trung triển khai công tác khuyến công
Riêng với công tác khuyến công, theo Cục Công Thương địa phương, năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt là 130 tỷ đồng/106 đề án. Cục đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị hoàn thiện hồ sơ và triển khai đề án đã được phân bổ ngân sách theo quy định.
Phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công thành phố Hà Nội, tỉnh Kiên Giang tổ chức thành công Hội nghị khuyến công và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc và phía Nam.
Xây dựng và tổ chức kế hoạch các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đề án khuyến công quốc gia năm 2024 tại 8 địa phương. Hướng dẫn các địa phương, tổ chức dịch vụ khuyến công xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025…
Tuy nhiên, theo nhìn nhận từ Cục Công Thương địa phương, kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 chỉ đạt 34,6% kế hoạch đã ảnh hưởng đến hoạt động của Cục, của đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công trên cả nước và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1.
Dù vậy, năm vừa qua, Cục Công Thương địa phương đã nỗ lực phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả nhiều chương trình đề án. Tiếp tục phát huy tinh thần này, sang năm 2025, Cục Công Thương địa phương tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2025, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên cả nước.
Tham mưu xây dựng kế hoạch tổng kết Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 và xây dựng Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2026-2030. Triển khai công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2025.
Tổ chức thực hiện quản lý cụm công nghiệp theo thẩm quyền; hướng dẫn, trả lời các kiến nghị của các địa phương liên quan đến quản lý cụm; tổ chức xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước (nếu được giao kinh phí); tổ chức một số đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố và thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động phát triển cụm công nghiệp năm 2025.
Đồng thời tiếp tục theo dõi Hồ sơ dự thảo Nghị định của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công;
Xây dựng Thông tư quy định về tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (thay thế Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28/8/2014 và Thông tư số 14/2018/TT-BCT ngày 28/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương) sau khi Nghị định sửa đổi, bổ một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công được ban hành.
Tăng cường phát triển mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đầu mối của Bộ Công Thương công nhận, quản lý, giám sát và đánh giá hoạt động của mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương. Theo dõi hoạt động làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân dân” “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ lần thứ 6.
Năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt 130 tỷ đồng/106 đề án, nhiệm vụ cho 38 địa phương, 14 đơn vị và một số nhiệm vụ do Cục Công Thương địa phương trực tiếp thực hiện. Kinh phí khuyến công quốc gia được phân bổ năm 2024 là 45,546 tỷ đồng (chiếm 34,6%). Cục đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị hoàn thiện hồ sơ và triển khai đề án khuyến công quốc gia đã được phân bổ ngân sách theo quy định.