Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gỡ thẻ vàng IUU
Ngày 17/10, tại tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU chủ trì cuộc họp về công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh: Bình Định, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang và Bến Tre.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau gần 7 năm chống khai thác IUU và quyết tâm gỡ thẻ vàng, nước ta đã đạt được một số kết quả, như: hoàn thiện khung pháp lý; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia… Tổng số đội tàu cá cả nước hiện nay là 84.720 chiếc và đã được đăng ký là 75.398 chiếc. Số lượng tàu cá từ 15 m trở lên đã lắp VMS đạt hơn 98%. Sản lượng thủy sản khai thác qua cảng tại địa phương được báo cáo, cập nhật hằng ngày trên Googlesheet để cơ quan chức năng quản lý và theo dõi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, như: tình trạng các tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp; công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa thống nhất. Nguyên dẫn đến tình trạng trên là do người đứng đầu một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ IUU; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân vẫn còn thấp; có tình trạng bao che của lực lượng chức năng tại địa phương đối với hành vi vi phạm IUU liên quan đến việc gửi, vận chuyển giám sát hành trình… Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ và xử lý do khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; cả nước còn 9.322 tàu “3 không”…
Tại cuộc họp, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị những việc cần làm ngay: Xác định rõ trách nhiệm trong quản lý hoạt động của các tàu cá ở cảng cá và trên biển; hỗ trợ chủ tàu mua thiết bị VMS; quản lý chất lượng thiết bị VMS; xử lý các tàu khai thác sai vùng, sai tuyến…
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, việc xử lý hình sự một số vụ vi phạm IUU đã tác động lớn đến nhận thức, suy nghĩ của chủ tàu, ngư dân. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị bổ sung một số ngành nghề đặc thù như câu mực, câu cá ngừ phải lắp VMS dù kích thước chưa đủ 15 m theo quy định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị quản lý chặt chẽ với đội tàu cá có chiều dài dưới 15m, không phải lắp thiết bị VMS; có bộ phận chuyên hỗ trợ, cung cấp thông tin về các tàu cá bị bắt giữ ở vùng biển nước ngoài để chính quyền địa phương có căn cứ xử lý ở trong nước.
Đối với việc quản lý tàu cá “3 không”, lãnh đạo tỉnh Bến Tre, tỉnh Cà Mau cho rằng đây là trách nhiệm của địa phương; kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia cần chỉ đạo rà soát đồng loạt để phân loại, xử lý dứt điểm vào cuối tháng 11/2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã chia sẻ kinh nghiệm lập dữ liệu đối với các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, kết nối các cảng cá để chia sẻ thông tin tàu cá ra vào. Đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, lực lượng Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã trao đổi, làm rõ một số kiến nghị của địa phương, như cung cấp thông tin về tàu cá bị bắt giữ ở nước ngoài; quản lý hoạt động tàu cá trên biển; kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xử lý hình sự các vụ vi phạm IUU…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận thức, việc thực hiện các biện pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU không chỉ để tham gia thị trường châu Âu, mà phát phát triển ngành thủy sản bền vững, bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân, đồng thời thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương rà soát, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; kiểm điểm trách nhiệm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, "coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên".
Các bộ ngành liên quan khẩn trương kết nối, chia sẻ các địa phương, lực lượng chức năng (bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân) sử dụng cơ sở dữ liệu về tàu cá đăng ký, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như hoạt động của toàn bộ tàu cá trên biển. Trong tháng 11/2024, các địa phương phải hoàn thành việc đăng ký, quản lý 100% số tàu cá tại địa bàn, không để còn tàu cá "3 không".
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT phối hợp, khẩn trương kết nối, chia sẻ các địa phương, lực lượng chức năng (bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân) sử dụng cơ sở dữ liệu về tàu cá đăng ký, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như hoạt động của toàn bộ tàu cá trên biển.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về vai trò điều phối của lực lượng kiểm ngư đối với quản lý tàu cá hoạt động trên biển; rà soát chế tài để xử lý nghiêm các vụ vi phạm IUU, nhất là trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng, “sát thực tiễn, có lý, có tình, rõ ràng, minh bạch để vừa răn đe, vừa phòng ngừa”… Bộ NN&PTNT rà soát quy trình thủ tục hành chính kiểm định thiết bị, tàu cá, với tinh thần "khả thi, thiết thực, khoa học, bảo đảm an toàn"; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu mua, lắp đặt thiết bị VMS; có chế tài xử lý các hành vi cố tình ngắt tín hiệu, hoặc gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác như là hành vi xâm phạm tài sản công; cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị VMS trên biển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Cục Kiểm ngư xây dựng chiến dịch cao điểm phối hợp với các lực lượng chấp pháp để kiểm soát toàn bộ tàu cá “3 không”, tàu cá đã xóa số đăng ký. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an ở cơ sở phối hợp với ngành nông nghiệp, chính quyền xã, phường để rà soát lại những tàu cá chưa có đăng ký, đăng kiểm, cập nhật cơ sở dữ liệu.
Trước đó, chiều 16/10, tại tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến thăm hỏi, động viên bà con ngư dân và các đơn vị đứng chân trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã hỏi thăm tình hình đời sống, đánh bắt thủy sản và thông tin đến bà con ngư dân về những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU). Quyết liệt thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Phó Thủ tướng mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân trong việc khai thác đánh bắt trên biển, đề xuất giải pháp để thực hiện tốt công tác phòng chống khai thác IUU, chung tay gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, hướng tới phát triển nghề cá bền vững có trách nhiệm.
Dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng quà Văn phòng IUU, Chi cục Thủy sản, Chi cục Kiểm ngư, Đồn Biên phòng Sông Đốc, Cảng cá Sông Đốc, UBND thị trấn Sông Đốc và 23 ngư dân trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau…