Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Chiều 14/8, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị số 40). Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

 Đồng chí Lê Thị Thu Hồng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, Chỉ thị số 40 được ban hành đã thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội... Sau 10 năm thực hiện, các cấp, ngành đã phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời tín dụng chính sách xã hội, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.

Tính đến ngày 31/7/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 350 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 221 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt 10,5%.

Bên cạnh kết quả đạt được, qua thảo luận, các ý kiến cho rằng, cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách chưa hợp lý và chưa bảo đảm tính bền vững. Nguồn vốn này chủ yếu sử dụng cho vay trung, dài hạn. Vốn do ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách chiếm tỷ lệ thấp.

Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn hạn chế. Hiện nay chưa có chính sách cho vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư nghiệp, trong khi nhu cầu của đối tượng này rất lớn.

Mức cho vay một số chương trình còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư của hộ dân như: Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay mua, thuê nhà ở xã hội…

Tại tỉnh Bắc Giang, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham gia quản lý 7.295 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách, tăng 4.592 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn này giúp hơn 316 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn vay ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 10,44% năm 2014 xuống còn 2,63% năm 2023…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương kết quả đã đạt được thông qua các chương trình tín dụng chính sách. Đồng chí nhấn mạnh, nước ta đang trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chỉ thị số 40, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua ngân hàng chính sách xã hội.

Hệ thống ngân hàng chính sách xã hội duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thành công mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2030. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị -xã hội tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đặc biệt là chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành; ưu tiên các nguồn vốn ưu đãi có thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững. Ngân hàng chính sách xã hội các địa phương tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách ủy thác sang ngân hàng nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay.

Tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.

Hệ thống ngân hàng chính sách xã hội tập trung nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ, kịp thời cảnh báo sớm rủi ro trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách...

Tin, ảnh: Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-nang-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-185822.bbg
Zalo