Thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa Luật Ban hành VBQPPL vào cuộc sống
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có Văn bản số 1240/UBTVQH15-PLTP về việc triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2025. Trong đó, yêu cầu các cơ quan khẩn trương tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định mới của Luật, thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa Luật vào cuộc sống

Quang cảnh phiên làm việc thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 19/2 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Ngày 19/2/2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XV đã thông qua Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 (Luật năm 2025), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025. Việc ban hành Luật năm 2025 nhằm tiếp tục thể chế đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là chủ trương về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện đột phá chiến lược và hoàn thiện thể chế phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Luật năm 2025 đã có bước cải cách, thay đổi lớn về quy trình, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác xây dựng pháp luật.
Để triển khai thi hành hiệu quả Luật năm 2025, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức, chủ thể có liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng pháp luật khẩn trương tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định mới của Luật, thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa Luật vào cuộc sống.
Trong đó, UBTVQH lưu ý một số vấn đề. Cụ thể, về xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH: Đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách (quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật năm 2025), đề nghị các cơ quan chỉ đạo thực hiện có chất lượng khâu xây dựng, tham vấn chính sách, thông qua chính sách trước khi tiến hành soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; bảo đảm chính sách phải cụ thể, rõ ràng; các hoạt động tổng kết, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thu thập thông tin, đánh giá tác động chính sách, lựa chọn chính sách cần thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm túc.
Các cơ quan cần tổ chức tốt việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có trong Chương trình lập pháp hằng năm, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đã được xác định. Việc xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có thể được tiến hành trước khi dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được đưa vào Chương trình lập pháp hằng năm.
Chỉ áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật năm 2025 về việc “ban hành luật, nghị quyết ngay tại kỳ họp QH đang diễn ra hoặc kỳ họp gần nhất” để giải quyết vấn đề thực sự cấp bách, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn đối với trường hợp xây dựng luật, nghị quyết có hồ sơ được gửi đến UBTVQH sau thời hạn 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp QH (thời điểm muộn nhất dự án luật, nghị quyết phải được gửi đến các cơ quan của QH để thẩm tra trước khi trình QH - khoản 1 Điều 37 của Luật năm 2025).
Về trình tự xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH, Luật năm 2025 có sự thay đổi về trách nhiệm của các cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản; theo đó, cơ quan trình dự án sẽ chịu trách nhiệm chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án; đồng thời, QH, UBTVQH cơ bản xem xét, thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết tại 1 kỳ họp QH, 01 phiên họp UBTVQH, trường hợp phát sinh cần có thêm thời gian để chỉnh lý thì mới xem xét thông qua tại kỳ họp tiếp theo, phiên họp tiếp theo. Do đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu QH trình dự án quan tâm chỉ đạo, đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết để có thể trình QH, UBTVQH thông qua ngay tại 1 kỳ họp QH, 1 phiên họp UBTVQH; trường hợp không đáp ứng được yêu cầu này sẽ không đưa vào chương trình kỳ họp QH, phiên họp UBTVQH. Đề cao trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức tốt việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết trình QH, UBTVQH xem xét thông qua.
Về Chương trình lập pháp năm 2025, đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có trong Chương trình lập pháp (Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh) năm 2025 trước ngày 19/2/2025 (ngày QH thông qua Luật năm 2025), UBTVQH đề nghị Chính phủ, các cơ quan, đại biểu QH khi trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết lưu ý, việc soạn thảo, trình, xem xét, cho ý kiến và thông qua được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, đã được sửa đối, bổ sung một số điều năm 2020 (Luật năm 2015); trường hợp dự án được điều chỉnh tiến độ trình cho ý kiến, thông qua thì việc soạn thảo, trình, xem xét, cho ý kiến và thông qua vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật năm 2015. Việc rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản trước khi trình thông qua được thực hiện theo quy định của Luật năm 2015; việc rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản sau khi thông qua được thực hiện theo quy định tại Quy chế làm việc của UBTVQH.

Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Còn đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025 sau ngày 19/2/2025, việc đề nghị bổ sung, điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025 và việc soạn thảo, trình, xem xét, cho ý kiến, thông qua được thực hiện theo quy định của Luật năm 2025. Trường hợp đã thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo Luật năm 2015 nhưng chưa được đưa vào Chương trình lập pháp năm 2025 trước ngày 19/2/2025 thì tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của Luật năm 2025.
Liên quan đến rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản trước khi trình QH thông qua: Đối với các dự án do Chính phủ trình thì Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cơ quan có liên quan thực hiện và hoàn thành chậm nhất là 3 ngày trước ngày biểu quyết thông qua để gửi đến QH, UBTVQH. Đối với các dự án không do Chính phủ trình thì cơ quan trình dự án chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Bộ Tư pháp, cơ quan có liên quan thực hiện và hoàn thành chậm nhất là 3 ngày trước ngày biểu quyết thông qua để gửi đến QH, UBTVQH.
Việc rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản sau khi thông qua được thực hiện theo quy định hiện hành tại Quy chế làm việc của UBTVQH: Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan trình (đối với các dự án không do Chính phủ trình) hoặc cơ quan chủ trì soạn thảo (đối với các dự án do Chính phủ trình), Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cơ quan có liên quan rà soát, hoàn chỉnh kỹ thuật văn bản và gửi xin ý kiến Phó Chủ tịch QH phụ trách lĩnh vực có liên quan, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Tổng Thư ký QH - Chủ nhiệm Văn phòng QH, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp ý kiến, báo cáo Phó Chủ tịch QH phụ trách lĩnh vực xem xét, quyết định để trình Chủ tịch QH.
Do khối lượng công tác lập pháp phát sinh mới năm 2025 rất lớn để thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đồi số quốc gia, đồng thời, cụ thể hóa những nội dung mới của Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan có liên quan khẩn trương chuẩn bị và sớm đề xuất bổ sung các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết (nếu có) vào Chương trình lập pháp năm 2025; đối với các dự án luật, nghị quyết hiện chưa có trong Chương trình lập pháp năm 2025 nhưng cần trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, đề nghị các cơ quan thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật năm 2025.
Về việc xây dựng Chương trình lập pháp của QH năm 2026, theo quy định của Luật năm 2025, trước ngày 1/8 hằng năm, cơ quan trình gửi tờ trình đề xuất xây dựng luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH đến UBTVQH để xem xét, quyết định đưa vào Chương trình lập pháp năm tiếp theo.
Do đó, đối với việc xây dựng Chương trình lập pháp năm 2026 cũng như các năm tiếp theo, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức, đại biểu QH chủ động rà soát, chuẩn bị các đề xuất xây dựng luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH (nếu có) để trình UBTVQH theo đúng thời hạn quy định trên.
Về chuẩn bị Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của QH khóa XVI, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ lập pháp thuộc Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XV chỉ đạo chuẩn bị tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu, rà soát, đề xuất các nhiệm vụ lập pháp gửi tới UBTVQH để xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ QH khóa XVI. UBTVQH sẽ ban hành kế hoạch riêng cho nhiệm vụ này.
Về ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và chuẩn bị một số nội dung khác, UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật năm 2025, bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật; xây dựng cơ chế đặc thù về kinh phí dành cho công tác xây dựng, ban hành VBQPPL theo quy định tại khoản 3 Điều 70 của Luật năm 2025 trình QH xem xét, quyết định; chỉ đạo các cơ quan rà soát, xây dựng hồ sơ dự án để trình UBTVQH xem xét, quyết định việc sửa đồi, bổ sung Pháp lệnh Hợp nhất VBQPPL.