Thực hiện Đề án 1371 chủ động, trách nhiệm cao, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ

Việc triển khai thực hiện Đề án 1371 thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành và chính quyền các địa phương.

Vĩnh Phúc là tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng với nhiều khu công nghiệp trọng điểm, có vị trí quan trọng cả về kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cơ sở để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, đã tập trung thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” (Đề án 1371) thu được những kết quả tích cực.

Theo đó, Ban chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Quân đội trên địa bàn và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức trong tham gia PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; chỉ đạo Cơ quan Thường trực (Bộ CHQS tỉnh) phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan, ban chỉ đạo Đề án 1371 các huyện, thành phố tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tình hình công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật; nhu cầu học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân tại cơ sở, từ đó đề ra những chủ trương, giải pháp thực hiện phù hợp, thiết thực.

Cơ quan thường trực ban chỉ đạo Đề án 1371 các cấp đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở cho 100% đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Qua 3 năm (2021-2024), đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác PBGDPL của các cơ quan, đơn vị đã được củng cố, kiện toàn, bảo đảm đủ số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá Hoàng Nam Chung (giữa) trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ báo cáo viên pháp luật, tháng 4-2024. Ảnh: PHÙNG PHƯƠNG

Đại tá Hoàng Nam Chung (giữa) trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ báo cáo viên pháp luật, tháng 4-2024. Ảnh: PHÙNG PHƯƠNG

Điểm nổi bật thời gian qua là các cơ quan, đơn vị Quân đội đã đa dạng hóa hình thức PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở phù hợp với thực tiễn và từng đối tượng, như: Tổ chức PBGDPL tập trung, trực tiếp, nói chuyện pháp luật, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin nội bộ, mạng thông tin điện tử, bảng biểu, tranh cổ động, tủ sách pháp luật, tờ rơi, tờ gấp pháp luật, bảng tin của các cơ quan, đơn vị, khu dân cư...

Kết quả, đã tổ chức phổ biến tập trung, trực tiếp, nói chuyện pháp luật, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật được 282 lần/136 xã, phường, thị trấn với hơn 29.300 lượt người dân tham gia; cung cấp hơn 16.800 tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật; phối hợp tuyên truyền hơn 600 buổi trên hệ thống truyền thanh nội bộ cấp huyện, xã và trong các cơ quan, đơn vị; triển khai hơn 5.600 bảng biểu, tranh cổ động... tại các cơ quan, đơn vị và khu dân cư.

Việc tuyên truyền, PBGDPL cũng được các đơn vị Quân đội đẩy mạnh thông qua hoạt động công tác dân vận và huấn luyện dự bị động viên, dân quân tự vệ. 3 năm qua, đã có gần 3.150 người thuộc lực lượng dự bị động viên, hơn 18.220 dân quân và hơn 4.630 đồng chí tự vệ được PBGDPL trong thời gian huy động, tham gia huấn luyện. Thông qua hoạt động dân vận, các cơ quan, đơn vị cũng đã tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình...

Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, PBGDPL thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, chương trình truyền hình... Điển hình như cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam do Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội đồng Phối hợp, PBGDPL tỉnh phát động tháng 6-2023, chỉ trong vòng một tháng đã thu hút gần 4.440 lượt cán bộ và người dân tham gia. Các cuộc thi: Tìm hiểu kiến thức pháp luật trên Báo Quân đội nhân dân; tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy; Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” trên địa bàn tỉnh năm 2024... cũng có hàng chục nghìn lượt người dân tham gia, góp phần tạo không khí học tập, tìm hiểu pháp luật rộng rãi trên địa bàn tỉnh...

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Đề án 1371 thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành và chính quyền các địa phương. Với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, các cơ quan, đơn vị đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, huy động tối đa nguồn lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án 1371, tỉnh Vĩnh Phúc rút ra một số kinh nghiệm quý. Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Cơ quan Thường trực và thành viên Ban chỉ đạo, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, bảo đảm đề án được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Phải xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ CHQS tỉnh với các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện đề án. Quá trình tiến hành phải nghiên cứu địa bàn, đối tượng để xác định nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, cần tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, quan tâm đầu tư về vật chất, kinh phí bảo đảm, gắn thực hiện đề án với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân, coi trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, thường xuyên quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...

Đại tá HOÀNG NAM CHUNG, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh Vĩnh Phúc

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/thuc-hien-de-an-1371-chu-dong-trach-nhiem-cao-hoan-thanh-tot-cac-muc-tieu-nhiem-vu-799184
Zalo