Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025: Rút ngắn khoảng cách nông thôn - đô thịBài cuối: Sẵn sàng trên chặng đường mới

Với hơn một nửa diện tích và dân số sống ở nông thôn, Thành ủy Hà Nội luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt.

Chặng đường 5 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU đang dần khép lại, Hà Nội tiếp tục định hình phát triển nông thôn cho giai đoạn cùng đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Xung quanh nội dung phát triển nông thôn Hà Nội trong giai đoạn mới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.

- Đồng chí có thể đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025?

- Đến thời điểm này, mặc dù Chương trình số 04-CTr/TU chưa đi hết chặng đường 5 năm, song với sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cùng nỗ lực từ các sở, ngành, địa phương, người dân, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tốt. Cụ thể, đã có 21/32 chỉ tiêu Chương trình đạt và vượt kế hoạch; còn 11 chỉ tiêu chưa đạt nhưng đó là những chỉ tiêu mang tính giai đoạn.

Hà Nội tiếp tục phấn đấu để đến giữa năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ 32 chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU. Kết quả nêu trên đặt trong bối cảnh suốt 4 năm triển khai Chương trình là những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị thành phố, người dân khi Hà Nội đối diện với rất nhiều khó khăn do phải phòng, chống dịch Covid-19 (năm 2021, 2022) và hậu quả của cơn bão số 2, số 3 cùng hoàn lưu sau bão (năm 2024), gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp...

Riêng với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Hà Nội đạt tăng trưởng gần 3% cho cả giai đoạn. Đặc biệt, năm 2024, các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, nhiều tỉnh tăng trưởng âm trong quý III-2024, nhưng Hà Nội vẫn tăng trưởng dương, đóng góp vào kết quả tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025. Từ đó, góp phần để người dân nông thôn đạt thu nhập bình quân 73,8 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, Chương trình số 04-CTr/TU giúp khu vực nông thôn Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại; đời sống người dân ngày càng được nâng cao, kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và đô thị...

- Hà Nội phấn đấu đến khoảng giữa năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ 32 chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU. Vậy, giải pháp nào để đạt mục tiêu này, thưa đồng chí?

- Hiện tại, thành phố đang triển khai thực hiện các giải pháp, trong đó tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư để duy trì các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; đồng thời nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn theo tinh thần “xây dựng nông thôn mới có điểm đầu, không có điểm kết thúc”.

Thành phố cũng đề nghị các huyện, thị xã chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, xã để triển khai thực hiện mục tiêu; đồng thời, kêu gọi các quận tiếp tục quan tâm hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới theo quy định, nhất là các huyện còn nhiều khó khăn. Các sở, ngành của thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tiêu chí, chỉ tiêu được giao phụ trách, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, xã triển khai tổ chức thực hiện 11 chỉ tiêu hoàn thành trong năm 2025 theo quy định.

Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các địa phương cần tăng cường xã hội hóa, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân, chung sức xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những phần việc không cần nhiều đến nguồn vốn đầu tư, như: Vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, giảm nghèo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong cộng đồng dân cư.

- Bước sang giai đoạn mới 2026-2030, định hướng của thành phố trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là gì, thưa đồng chí?

- Hà Nội có diện tích đất tự nhiên vùng ven đô chiếm gần 70% và 51% dân số sống ở nông thôn. Do đó, thành phố luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt.

Quan điểm của thành phố là xây dựng nông thôn mới phải tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch ngành, quy hoạch kinh tế - xã hội các huyện, thị xã. Xây dựng nông thôn mới phải đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo tồn phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, có môi trường xanh, sạch, đẹp. Xây dựng nông thôn mới trên tinh thần phát huy nội lực của cộng đồng, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường của nhân dân là chính, kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước, phù hợp điều kiện từng địa phương...

Với đặc thù là Thủ đô, diện tích sản xuất nông nghiệp không lớn, nhưng có nhiều lợi thế về vốn, khoa học, kỹ thuật và thị trường, Hà Nội xác định rõ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu...

Bên cạnh đó, Hà Nội là đất trăm nghề với khoảng 1.050 làng nghề và làng có nghề, thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với rất nhiều chính sách bảo tồn, phát triển làng nghề.

Hà Nội cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đặc biệt, thành phố gắn sản xuất nông nghiệp và làng nghề với khai thác tiềm năng du lịch; phấn đấu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng, thế mạnh triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; xây dựng ít nhất một mô hình liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân - hợp tác xã - hộ kinh doanh - doanh nghiệp...

- Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu và nông thôn không đứng ngoài cuộc. Bước vào kỷ nguyên mới, Hà Nội có giải pháp gì để đẩy mạnh chuyển đổi số ở khu vực nông thôn, thưa đồng chí?

- Hiện chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực nông thôn, phủ rộng mọi lĩnh vực. Những mô hình “Thôn thông minh” tiến tới xây dựng “Xã thông minh” đang hiện diện ở nhiều địa phương. Nhiều người dân chủ động tiếp cận, tìm hiểu, sử dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi... Nhiều người dân đã thành thạo trong quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, bán hàng trực tuyến, quản lý đơn hàng, thanh toán điện tử...

Song hành, thành phố chỉ đạo các địa phương duy trì tổ chuyển đổi số cộng đồng để hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số, nền tảng số, sử dụng dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu...

Thời gian tới, Hà Nội xem xét thực nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về nông sản; hình thành, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số…

- Vậy, việc nâng cao chất lượng sống khu vực nông thôn hài hòa truyền thống và hiện đại; phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

- Hà Nội đang định hướng phát triển nông nghiệp đô thị xanh, an toàn, thân thiện, bền vững; nông thôn văn minh, hiện đại, thịnh vượng trên nền tảng văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài cùng tầng lớp nông dân văn minh, thành thạo công nghệ số. Đó là một trong những yếu tố để xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để đạt hiệu quả tốt nhất, Hà Nội tiếp tục đưa công tác xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững, thực chất, phục vụ cuộc sống người dân. Bên cạnh bảo tồn, lưu giữ văn hóa các miền quê là nét hiện đại, thông minh của đô thị trong tương lai, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống vùng nông thôn...

Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp. Kinh tế - xã hội nông thôn phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Hà Nội tiếp tục phấn đấu đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời, sớm hiện thực hóa Luật Thủ đô 2024 trên mỗi cánh đồng, trong từng nhà xưởng, làng quê, gia đình...

Mặt khác, Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương theo Luật Bảo vệ môi trường và tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với sự tham gia của cộng đồng...

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuc-hien-chuong-trinh-so-04-ctr-tu-cua-thanh-uy-ha-noi-giai-doan-2021-2025-rut-ngan-khoang-cach-nong-thon-do-thi-bai-cuoi-san-sang-tren-chang-duong-moi-697242.html
Zalo