Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Còn thiếu và khó từ cơ sở vật chất
Theo lộ trình, Chương trình GDPT 2018 đã được áp dụng đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022-2023 này. Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ở Trường TH Vĩnh Ninh, do thiếu phòng học và máy tính nên thầy chỉ có thể dạy lý thuyết môn Tin học cho học sinh.
Khoảng trống lớn với môn Tin học
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, môn tiếng Anh và môn Tin học sẽ là 2 môn học bắt buộc được tổ chức dạy học từ lớp 3 năm học 2022-2023. Tuy nhiên, việc dạy và học 2 môn này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là môn Tin học.
Cũng như nhiều trường tiểu học (TH) khác trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, đến nay, Trường TH Hoằng Đông vẫn chưa có phòng học Tin học, máy tính và giáo viên. Trên thực tế, tại nhà kho của trường vẫn còn lưu giữ gần 10 bộ vi tính nhưng nhiều năm qua đã nằm bất động, hư hỏng, không thể sử dụng. Bước vào năm học 2022-2023, dù đã sang tháng thứ 3 của năm học nhưng cả thầy và trò vẫn chưa thể tiếp cận với bộ môn này.
Theo thống kê, đối với cấp TH, hiện ở Hoằng Hóa mới có 17/43 trường có phòng học và cũng chỉ mới có 11 giáo viên Tin học.
Không chỉ Hoằng Hóa, nhiều địa phương khác như Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Mường Lát, Quan Hóa..., đối với cấp TH, phần lớn chung thực trạng 3 không: Không phòng học, không máy tính và không giáo viên.
Năm đầu tiên bắt buộc học Tin học trong Chương trình GDPT mới đối với lớp 3, vấn đề này bỗng trở thành câu chuyện khó với nhiều địa phương. Dù bắt buộc nhưng môn Tin học không được xướng tên trong thời khóa biểu ở nhiều nhà trường. Ngay cả khi được bố trí, sắp xếp dạy theo đúng quy định với 1 tiết/tuần thì tại một số trường học, môn Tin học được dạy trong điều kiện khó khăn. Đơn cử như Trường TH Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc), giáo viên phải dạy “chay”, tức chỉ lý thuyết mà không thực hành bởi trường không có phòng học và cũng không có máy tính. Còn ở huyện Quan Hóa, ông Lê Đức Hiếu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho hay: “Đối với cấp TH, vì chỉ có 2 giáo viên Tin học nên huyện thực hiện dạy trực tuyến cho học sinh từng nhóm của các trường”.
Ông Trịnh Vĩnh Long, Trưởng Phòng Giáo dục TH, Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: “Việc dạy và học Tin học ở một số địa phương chưa đảm bảo các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị nên tỷ lệ học sinh được học Tin học còn thấp, chất lượng dạy học còn hạn chế. Hầu hết các huyện đều thiếu giáo viên Tin học nên việc bố trí, sắp xếp dạy môn này cho học sinh lớp 3 gặp nhiều khó khăn”.
Trang thiết bị, đồ dùng dạy học cấp chậm
Năm học 2021-2022, phải đến khi kết thúc năm học thì lớp 2 và lớp 6 của Chương trình GDPT 2018 mới được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học. Nguyên nhân cấp chậm là do “sự cố” liên quan đến việc đấu thầu thiết bị, đồ dùng học tập lớp 1 của năm học trước. Còn trong năm học 2022-2023 này, dù đã bước sang tháng thứ 3 nhưng đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học cho học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 Chương trình GDPT 2018.
Thiếu trang thiết bị, đồ dùng dạy học sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các nhà trường. Theo đó, giáo viên sẽ bị bó hẹp trong bài giảng “chay” còn học sinh, việc tiếp thu bài, chắc chắn sẽ chậm hơn. “Năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 thực hiện đối với lớp 10 nhưng hiện nay, đã là giữa học kỳ I, dụng cụ thí nghiệm, các trang thiết bị dạy học vẫn chưa có, đây là cái khó cho cả thầy và trò”, thầy giáo Lê Văn Hiển, Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Định 1 (Yên Định) cho biết.
Nhiều năm qua, do hư hỏng nên những bộ vi tính này ở Trường TH Hoằng Đông đã không thể sử dụng.
Trong điều kiện khó này, các trường học trên địa bàn tỉnh tìm cách tháo gỡ tạm thời. Cô Phạm Thị Bình, giáo viên Toán - Lý Trường THCS Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc) cho hay: Trong các tiết thực hành, thí nghiệm, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 7 của nhà trường phải sử dụng tài liệu trên mạng Internet hoặc tận dụng các thiết bị ở chương trình cũ cho chương trình mới. Còn theo thầy giáo Hà Văn Huấn, giáo viên môn Khoa học tự nhiên Trường THCS Hiền Kiệt (Quan Hóa) thì: “Có đồ dùng dạy học, học sinh sẽ được tiếp cận với hình ảnh trực quan, sinh động hơn, hiểu bài nhanh hơn. Nói là tận dụng đồ cũ để trước mắt gỡ tình thế dạy chay nhưng nhiều khi đồ dùng ở chương trình cũ không thể đáp ứng được cho chương trình mới...”.
Mong muốn của các nhà trường hiện nay, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho Chương trình GDPT 2018 cần sớm được triển khai, thực hiện. Nếu chậm trễ, đồng nghĩa với việc đổi mới các hoạt động giáo dục cũng như việc “học đi đôi với hành” của học sinh sẽ bị hạn chế. Về vấn đề này, ông Trịnh Trọng Nam, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT tỉnh cho biết, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều chậm hoặc không mua sắm được trang thiết bị dạy học. Việc mua sắm trang thiết bị Chương trình GDPT mới lớp 6, 7, 10 gặp nhiều khó khăn do Bộ GD&ĐT chỉ ban hành danh mục thiết bị mà không có khung giá thiết bị. Việc đấu thầu mua sắm cũng gặp khó khăn khi danh mục thiết bị có tính chất đặc thù, hạn chế về số lượng đơn vị sản xuất và cung cấp. Hiện, đang đề nghị Bộ GD&ĐT triển khai đồng bộ các giải pháp khả thi, phù hợp thực tiễn trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là các nội dung liên quan đến mua sắm trang thiết bị, lựa chọn sách giáo khoa...
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có 600 trường TH nhưng chỉ có 175 giáo viên dạy môn Tin học, thiếu 420 giáo viên và thiếu khoảng 400 phòng học môn này.