Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tư duy mới

Cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xác định cần tư duy mới trong bối cảnh, mô hình tổ chức bộ máy mới; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phân quyền phân cấp rõ cho từng cấp quản lý nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

BHXH Việt Nam nỗ lực phát triển người tham gia, đẩy mạnh cải cách hành chính trong bối cảnh mới. Ảnh: ST

BHXH Việt Nam nỗ lực phát triển người tham gia, đẩy mạnh cải cách hành chính trong bối cảnh mới. Ảnh: ST

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2025, số người tham gia BHXH trên cả nước là 18,45 triệu người; đạt 85,7% kế hoạch dự kiến giao; tăng 1,073 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHTN đạt 15,015 triệu người, đạt 89,6% kế hoạch giao; tăng 782.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHYT là 90,818 triệu người; đạt 93,1% kế hoạch giao; tăng 680.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số thu lũy kế trong 2 tháng đầu năm đạt 86.389 tỷ đồng, đạt 14,5% kế hoạch giao, tăng 17.794 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Bảo đảm phân cấp, giảm tối đa khâu trung gian

Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, từ ngày 01/3/2025, BHXH Việt Nam là đơn vị đặc thù thuộc Bộ Tài chính. Cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam được tổ chức từ trung ương đến địa phương theo hệ thống 3 cấp: với 14 đơn vị tham mưu tại Trung ương; 35 BHXH khu vực và 350 BHXH liên huyện. Như vậy, số lượng đầu mối trong toàn ngành BHXH đã giảm từ 1.470 xuống còn 747 đầu mối đơn vị (giảm 723 đơn vị, tương ứng 49,2%).

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam xác định quan điểm xuyên suốt là “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ”, đảm bảo việc sắp xếp bộ máy không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện công tác phát triển người tham gia và giảm tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2025 mới đây, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, các nhiệm vụ công tác thu, phát triển người tham gia sẽ được triển khai ngay, đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu năm 2025.

BHXH Việt Nam đã phổ biến một số nội dung, hướng dẫn mới về quy trình quản lý thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT để phù hợp với bộ máy mới sau quá trình sắp xếp, tinh gọn. Quy trình được xây dựng mới, theo hướng phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”. Theo đó, BHXH khu vực sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý thu, phát triển người tham gia tương ứng với trụ sở đóng trên địa bàn quận/huyện; BHXH các quận/huyện/liên huyện sẽ chịu trách nhiệm thu, phát triển người tham gia tương ứng với địa bàn được giao quản lý. Các khâu trung gian sẽ được giảm tối đa, đảm bảo phân cấp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện ngay tại cơ sở.

Ông Phan Văn Mến - Trưởng Ban Quản lý thu và phát triển người tham gia (BHXH Việt Nam) - cho biết, Ban sẽ sớm tham mưu lãnh đạo BHXH Việt Nam ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn về quy trình, thủ tục, các khâu nghiệp vụ liên quan tới thu, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng; ký hợp đồng nguyên tắc với các tổ chức dịch vụ có phạm vi hoạt động trên cả nước là cơ sở để BHXH các khu vực ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT. Đồng thời, Ban cũng tích cực khai thác và quản lý thông tin cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT tiềm năng, trên cơ sở đó theo dõi, kiểm tra, giám sát BHXH khu vực xây dựng và triển khai thực hiện kịch bản phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động; cơ quan tài chính chia sẻ thông tin doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới thành lập để cơ quan rà soát, phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc.

Động lực cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ

Song hành với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, bước vào giai đoạn mới, ngành BHXH không chỉ tập trung ổn định tổ chức mà còn phải đảm bảo triển khai có hiệu quả Luật BHXH số 41/2024/QH15 và Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, với bộ máy tinh gọn, trong khi số đơn vị, số người tham gia, mức độ tương tác của cơ quan BHXH với người dân và các đơn vị sử dụng lao động ngày càng lớn thì công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH càng đặt ra bức thiết.

BHXH Việt Nam xác định quan điểm xuyên suốt là “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ”. Ảnh: ST

BHXH Việt Nam xác định quan điểm xuyên suốt là “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ”. Ảnh: ST

Luật BHXH 2024 cũng đặt ra những yêu cầu về cải cách hành chính với nhiều điểm mới tích cực. Trong đó, Luật đã bổ sung 01 chương quy định chi tiết về việc đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, đặc biệt là quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Theo đó, chậm nhất là ngày 01/01/2027, cơ quan BHXH phải bảo đảm điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực BHXH. Chính phủ quy định chi tiết về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và việc điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH từ giao dịch bằng bản giấy theo quy định của Luật này sang giao dịch điện tử để bảo đảm thuận tiện cho người tham gia và người thụ hưởng chế độ BHXH. Thời hạn để giải quyết một số thủ tục cũng được Luật BHXH quy định rõ, qua đó đảm bảo thống nhất thực hiện và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài những quy định trong Luật BHXH 2024, nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan BHXH cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2024, số thủ tục hành chính của cơ quan này đã được giảm 78% so với 10 năm trước, từ 115 thủ tục năm 2014 đã giảm xuống chỉ còn 25 thủ tục; 100% dịch vụ công được triển khai trên môi trường điện tử, trong đó, có đến 82% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hiện có 621.000 tổ chức, đơn vị sử dụng lao động; 35,6 triệu tài khoản cá nhân thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH cũng đã đảm bảo kết nối với 5 hệ thống ngân hàng, đảm bảo thực hiện thanh toán song phương, người dân có thể nộp/nhận tiền thông qua hệ thống ngân hàng 24/7… Đây là những thuận lợi và là động lực để BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện chính sách./.

N. HỒNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thuc-hien-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-voi-tu-duy-moi-39238.html
Zalo