Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 163-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trong giai đoạn mới.
Kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng CSXH trong việc thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Kế hoạch đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội.
Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa nhiệm vụ tín dụng CSXH vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị hằng năm và theo giai đoạn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với hoạt động huy động, quản lý và sử dụng vốn của Ngân hàng CSXH, không được để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH.
Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung những văn bản không phù hợp, bất cập về nội dung, thẩm quyền để làm căn cứ thực hiện công tác tín dụng CSXH theo hướng mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn vay phù hợp với việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu phát triển KT-XH, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, điều kiện phát triển, đặc điểm của từng vùng, miền, chu kỳ sản xuất, kinh doanh.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế lồng ghép tín dụng CSXH với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển KT-XH; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác, các đối tượng chính sách đặc thù, các đối tượng ưu tiên của tỉnh theo từng giai đoạn, chuyển từ hình thức hỗ trợ trực tiếp sang hình thức cho vay ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH.
Kip thời rà soát các đối tượng tín dụng chính sách như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng được tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng CSXH, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Ngân hàng CSXH.
Tăng cường huy động vốn từ tiền gửi, tiền tải trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quan tâm, bố trí kịp thời ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH, phấn đấu hằng năm chiếm khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng và đến năm 2030 chiếm 15% tổng nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH tập trung ưu tiên để cho vay giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội; cho vay các đối tượng thuộc phạm vi các chương trình mục tiêu quốc gia, các đối tượng đặc thù, đối tượng ưu tiên theo các đề án, dự án, chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH của tỉnh.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH đặc thù; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn an toàn, hiệu quả. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan với Ngân hàng CSXH trong tổ chức triển khai, theo dõi, giám sát hoạt động tín dụng CSXH, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, kịp thời và thu hồi, xử lý nợ.
Nâng cao năng lực quản trị rủi ro và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng CSXH, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay. Triển khai kịp thời các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác...
Xây dựng đội ngũ cán bộ Ngân hàng CSXH có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có uy tín, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành, tác nghiệp, quy trình quản lý và tổ chức thực hiện tín dụng CSXH; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, tổng hợp dữ liệu, báo cáo cấp có thẩm quyền để cập nhật, quản lý đối tượng thụ hưởng tín dụng CSXH.
TS