Thực hiện các giải pháp tích cực để xuất khẩu gỗ

Với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, các sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng, lũy kế giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản 3 quý đầu năm 2024 đã đạt cao hơn so cùng kỳ năm 2023. Mặc dù vậy, bước sang quý IV và năm 2025, dự báo, ngành gỗ xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do những biến động của tình hình thế giới…

Các doanh nghiệp ngành gỗ cần nâng cao năng lực để cạnh tranh sản phẩm.

Các doanh nghiệp ngành gỗ cần nâng cao năng lực để cạnh tranh sản phẩm.

Tăng trưởng khá

Theo số liệu thống kê của Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 3 quý đầu năm các sản phẩm gỗ xuất khẩu đã tăng đáng kể, trong đó, dăm gỗ tăng gần 38%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5% so cùng kỳ năm 2023, trong đó, sản phẩm gỗ 5,967 tỷ USD, tăng 22,2%; gỗ 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%. Giá trị xuất siêu ước đạt 7,857 tỷ USD.

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực cho biết, mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 là 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ hơn 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so năm 2023. Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành gỗ đang có những thuận lợi mới, rất cơ bản. Đó là, kinh tế toàn cầu đã và đang được cải thiện, do đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm 2024. Bên cạnh đó, theo yếu tố chu kỳ, các đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng về đồ nội thất bằng gỗ thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, khi thị trường nhà cửa, bước vào giai đoạn hoàn thiện và sửa sang, thay đổi nội thất để đón chào năm mới.

Ngành công nghiệp chế gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ đang có rất nhiều lợi thế từ nguồn lao động có tay nghề cao, nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, gỗ nhập khẩu hợp pháp có khả năng sản xuất ra các sản phẩm truy xuất được nguồn gốc. Thêm vào đó, các mẫu mã thiết kế sản phẩm của Việt Nam cũng đang ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thế giới. Nhu cầu thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới khoảng 230 tỷ USD/năm.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế để tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế để tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Trong khi, hiện nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% thị phần nhu cầu toàn cầu, nên các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Việt Nam đã phê chuẩn và tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do.

Thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu người là thị trường tiềm năng, tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta tiếp tục phát triển. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất và tỷ giá hối đoái ổn định, đã tạo ra niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Những khó khăn phía trước

Cùng với những thuận lợi kể trên, các doanh nghiệp gỗ cũng đang gặp phải không ít những khó khăn, thách thức.

Đó là, theo dự báo, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro, bất định gia tăng. Cuộc xung đột Nga-Ukraina vẫn tiếp diễn; Kinh tế thế giới chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị và dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 chỉ tăng 2,6%, thấp hơn mức tăng 3,1% của năm 2023. Điều này, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về gỗ và sản phẩm gỗ những tháng cuối năm 2024 biến động, khó lường.

Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và các vấn đề liên quan đến bảo hộ sản phẩm hàng hóa.

Một khó khăn nữa là giá cước vận tải biển tăng, khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so năm trước.

Một khó khăn nữa là giá cước vận tải biển tăng, khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra, trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu giảm giá thành sản phẩm. Việc hoàn thuế VAT của các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dăm gỗ, gỗ dán và các sản phẩm gỗ khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do các thủ tục xác minh tới tận các chủ rừng của ngành thuế cần nhiều thời gian.

Để vượt qua khó khăn, phấn đầu đạt và vượt các mục tiêu xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành gỗ và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản. Làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ và lâm sản. Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập do cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Đồng thời, các cơ quan liên quan cần tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là cơ chế, chính sách bảo đảm gỗ hợp pháp; thường xuyên theo dõi, tổng hợp, thu thập thông tin kịp thời về tình hình chế biến gỗ và thị trường tiêu thụ lâm sản trên thế giới và trong nước, cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất, nhập khẩu lâm sản để chủ động phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để chủ động, ứng phó, giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu do các vụ kiện gây ra.

Ngoài ra, các đơn vị cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 470 ngày 26/5/2023 về tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân. Trong đó có nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ về hoàn thuế giá trị gia tăng được nhanh chóng, kịp thời. Tiếp tục ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu; bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản bảo đảm đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập, một trong những vấn đề mang tính sống còn là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với 5 trụ cột chính cần hướng tới. Đó là, các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất; sản xuất phải giảm phát thải (sản phẩm xanh); các giải pháp về quản trị trong đó ưu tiên chuyển đổi số; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát nội bộ trong doanh nghiệp.

Nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Tổ chức thực hiện hiệu quả các hội nghị giao ban, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm gỗ nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản truyền thống của Việt Nam, tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới tiềm năng, như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ..., đồng thời quan tâm phát triển thị trường trong nước.

VŨ HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-hien-cac-giai-phap-tich-cuc-de-xuat-khau-go-post823793.html
Zalo