Thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh vật nuôi

UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định.

Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin cho gia cầm. Ảnh: THỦY TIÊN

Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin cho gia cầm. Ảnh: THỦY TIÊN

Đối với Sở Nông nghiệp và Môi trường phải tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật, khi phát hiện động vật mắc bệnh tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; chủ động triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra; phối hợp với quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật bệnh; thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin, giám sát, cảnh báo và báo cáo dịch bệnh.

Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, triển khai tiêm phòng vắc xin đợt I/2025 theo đúng kế hoạch, bảo đảm tỉ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin, đặc biệt lưu ý đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ cao, đã được tiêm vắc xin nhưng sắp hết thời gian miễn dịch. Các địa phương phải chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng môi trường chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh và các loại côn trùng truyền bệnh… Cùng với đó, địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tác hại của dịch bệnh tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, các quy định về xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng cho đản vật nuôi; nội dung phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, vùng nguy cơ…

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/thuc-hien-cac-giai-phap-phong-chong-dich-benh-vat-nuoi-6312024/
Zalo