Thực hiện biện pháp giảm chi phí khi giá thóc giống tăng

Thị trường đầu vụ cho thấy, thóc giống các loại vụ này đều tăng giá với mức tăng bình quân từ 2 – 3 nghìn đồng/kg so với vụ trước. Đây là lần biến động giá thóc giống đầu tiên sau hơn 3 năm duy trì ổn định.

Tìm hiểu tại cửa hàng của trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Bảng, trên bảng niêm yết đều thể hiện rõ mức giá mới của từng loại giống. Cụ thể, thóc giống Nếp 97 giá 20 nghìn đồng/kg, Bắc thơm kháng bạc lá (KBL) giá 32 nghìn đồng/kg, Khang dân KBL giá 20 nghìn đồng/kg, NA2 giá 32 nghìn đồng/kg, ND502 giá 38 nghìn đồng/kg, Nhị ưu 838 (giống nội) giá 68 nghìn đồng/kg, Nhị ưu 838 (giống ngoại) giá 90 nghìn đồng/kg… Do giá thóc giống biến động nên cửa hàng mới nhập về hơn 1 tấn các loại và sẽ tiếp tục nhập thêm về khi người dân có nhu cầu. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Kim Bảng phụ trách cửa hàng, giá thóc giống vụ này tăng chung tại tất cả các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng. Đây là tác động tất yếu khi tất cả các chi phí đều tăng, nhất là hệ quả của giá thóc thương phẩm đang ở mức rất cao so với trước...

Công ty TNHH Nam Dương (KCN Đồng Văn, thị xã Duy Tiên) trong vụ xuân cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn giống lúa các loại. Toàn bộ lượng thóc giống doanh nghiệp đưa ra thị trường đều được liên kết sản xuất ở nhiều vùng trong tỉnh đạt chất lượng giống nguyên chủng. Mức giá thóc giống công ty bán ra cũng chỉ tăng ở mức khoảng 3% so với trước. Trao đổi về giá thóc giống tăng, ông Ngô Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Nam Dương cho biết: Giá thóc giống vụ xuân tới tăng lên do các doanh nghiệp phải tăng giá khi thu mua sản phẩm thóc nguyên chủng của người dân. Nếu so sánh với giá thóc thịt hiện nay, giá thóc giống tăng không quá cao. Khi xây dựng biểu giá thóc giống bán ra thị trường vụ xuân 2024, doanh nghiệp đã tính toán mức tăng hợp lý nhất, nhằm hạn chế thấp nhất tác động đến chi phí sản xuất đầu vào của người dân...

Người dân lựa chọn thóc giống cho vụ mới tại cửa hàng của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Kim Bảng. Ảnh: Thành Nam

Qua tính toán thực tế, so với tổng thể các chi phí sản xuất giá thóc giống lần này tăng không đáng kể, chỉ trong khoảng 3 – 4 nghìn đồng/sào, khi lượng giống sử dụng ở mức từ 0,8 – 1,2 kg/sào. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các chi phí khác của sản xuất đang có chiều hướng tăng lên. Như phân bón các loại trong vụ này giá tăng nhẹ so với vụ mùa. Đặc biệt, công lao động nếu người dân phải thuê cấy thủ công mức giá lên đến 350 – 450 nghìn đồng/sào. Ngoài ra, phần lớn các khâu sản xuất hiện nay người dân đều thuê (làm đất, thu hoạch…), không còn thực hiện “lấy công làm lãi’ như trước đây. Vì thế, để giảm chi phí sản xuất, việc thực hiện các biện pháp giảm đầu tư cho giống lúa là biện pháp cần tính đến.

Về phía ngành Nông nghiệp đã đề ra những biện pháp cụ thể trong việc sử dụng giống lúa và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân; trong đó, áp dụng phương pháp cấy (gồm cả cấy bằng máy và cấy thủ công) thay cho hình thức gieo thẳng, giảm khoảng 15 – 20% lượng giống; khuyến khích người dân áp dụng phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên giúp giảm 30% lượng giống… Bên cạnh đó, trong thời gian gieo mạ, người dân cần quản lý thật tốt, nhất là thực hiện biện pháp che phủ nilon cho 100% diện tích bảo vệ trong điều kiện thời tiết bất thuận, khả năng có đợt rét đậm, rét hại gây chết mạ. Thời điểm gieo cấy, ngừng sản xuất khi có rét hại, nền nhiệt độ xuống dưới 15oC tránh tình trạng lúa chết phải bổ sung giống gieo lại. Ngoài ra, công tác diệt trừ ốc bươu vàng và chuột cần được quan tâm nhằm hạn chế nguồn gây hại cho lúa mới cấy, mới gieo thẳng…

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT): Giá thóc giống tăng cũng tác động đến một phần chi phí sản xuất. Người dân cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật được hướng dẫn để hạn chế sử dụng tăng lượng giống. Cùng với ngành chức năng, các địa phương cũng cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn để người dân thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất trong đó có giống lúa.

Hiện nay, người dân đã bắt đầu mua thóc giống chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Việc thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong sử dụng và bảo vệ mạ, lúa mới gieo cấy góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/thuc-hien-bien-phap-giam-chi-phi-khi-gia-thoc-giong-tang-109981.html
Zalo