Thực hành dân chủ - nền tảng vững chắc tạo sự đồng thuận
Thấm nhuần quan điểm 'Dân là gốc' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Hải Dương được tăng cường, đổi mới.

Người dân Nam Sách tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Lan tỏa chủ trương
Xác định công tác dân vận hiện nay đóng vai trò then chốt trong việc kết nối ý Đảng - lòng dân, phát huy sức mạnh nội tại của nhân dân và xây dựng một nền hành chính kiến tạo, vì nhân dân phục vụ. Do đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện dân chủ đến từng cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Việc xây dựng và thực hiện dân chủ được gắn kết chặt chẽ với việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm, lề lối làm việc, tác phong công tác, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chuẩn mực cán bộ, công chức, viên chức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”...
Tập trung phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm như: quản lý đô thị, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, sử dụng ngân sách nhà nước… Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, của nhân dân trong hoạt động giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng của tỉnh, cấp huyện.
Tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 13/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Xây dựng chính quyền xã, phường thị trấn thân thiện, vì nhân dân phục vụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030” với những cách làm “Dân vận khéo” hiệu quả, với quyết tâm xây dựng chính quyền thân thiện. Đề cao văn hóa ứng xử của chính quyền với nhân dân, vì lợi ích nhân dân, hướng đến sự hài lòng của nhân dân đối với chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã.
Dân chủ gắn với cải cách hành chính
Với phương châm cốt lõi “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh đã đặc biệt chú trọng gắn kết chặt chẽ thực hành dân chủ với công tác cải cách hành chính. Điều đó được cụ thể hóa bằng việc công khai, minh bạch mọi thông tin, quy trình, nhất là việc giải quyết thấu đáo các khiếu nại, tố cáo của người dân. Sự minh bạch này chính là động lực mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả và tính liêm chính trong hoạt động quản lý, điều hành.
Chỉ riêng trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 24 quyết định công bố thủ tục hành chính, bao gồm tổng cộng 506 thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của các sở, ban, ngành, cũng như các cấp chính quyền địa phương.
Đáng chú ý, toàn tỉnh đã tích hợp 434 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 95,81%) có thu phí, lệ phí; hơn 270.196 giao dịch thành công và tổng số tiền trên 96,4 tỷ đồng.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị đặc biệt chú trọng công tác thanh, kiểm tra, giám sát, nhất là ở những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực. Mục tiêu là kịp thời nắm bắt những bức xúc, lắng nghe kiến nghị chính đáng của nhân dân để chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.
Trong năm 2024, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 7.030 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó 76 đoàn đông người. UBND tỉnh kiên quyết chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, đối thoại với công dân, thực hiện nghiêm túc các kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh nhằm ổn định tình hình tại địa
phương.
Từ đối thoại đến đồng thuận
Tiếp xúc đối thoại là một diễn đàn dân chủ của nhân dân. Người dân được quyền nói, quyền bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng một cách thẳng thắn trước các vấn đề bức xúc liên quan đến lợi ích trực tiếp của mình.
Ở nhiều địa phương trong tỉnh, việc xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2024, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cấp xã đã tổ chức được 641 hội nghị tiếp xúc, đối thoại với nhân dân (1 cuộc cấp tỉnh, trên 40 cuộc cấp huyện, gần 600 cuộc cấp xã).
Những cuộc đối thoại này không chỉ mang tính hình thức, mà thực sự đạt được hiệu quả cao. Đây là kênh thông tin nhanh chóng để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, những vướng mắc mà người dân đang gặp phải. Quan trọng hơn, đây là cơ hội quý báu để các cấp ủy, chính quyền thấy rõ người dân cần gì, đang quan tâm đến vấn đề gì.
Sự thấu hiểu này là nền tảng vững chắc để điều chỉnh chính sách cho phù hợp, bảo đảm rằng mọi quyết sách đều xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Không chỉ dừng lại ở những hội nghị cấp tỉnh, cấp huyện, hơi thở dân chủ còn lan tỏa mạnh mẽ xuống tận cơ sở, nơi cuộc sống đời thường diễn ra.
Sự duy trì hiệu quả của các hội nghị giao ban và đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư, trưởng ban công tác mặt trận đã thực sự phát huy mạnh mẽ kênh thông tin hai chiều.
Những cuộc đối thoại định kỳ này không chỉ là nơi để lãnh đạo truyền đạt chủ trương, chỉ đạo, mà còn là diễn đàn mở để đội ngũ cán bộ cơ sở - những người gần dân nhất kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Họ chính là cầu nối quan trọng, đưa những tiếng nói chân thật từ cơ sở lên cấp trên, đồng thời truyền tải những chỉ đạo từ trung ương, của tỉnh và địa phương xuống người dân hiệu quả nhất, bảo đảm mọi thông tin được thông suốt và thấu hiểu.
Song hành cùng các kênh đối thoại chính thức, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã trở thành một nét đẹp trong đời sống cộng đồng, gắn liền với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".