Thúc đẩy thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giao thông

Chiều 30-9, tại Hà Nội, Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông'.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết, chủ đề thanh toán điện tử trong giao thông rất được các doanh nghiệp và người dân quan tâm, gắn liền với chuyển đổi số. Đây chắc chắn sẽ là thay đổi rất lớn trong quản lý giao thông đô thị, trong thói quen, hành vi của mỗi người dân khi sử dụng các dịch vụ giao thông.

 Quang cảnh hội thảo về thanh toán điện tử trong giao thông.

Quang cảnh hội thảo về thanh toán điện tử trong giao thông.

Theo ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Luật Đường bộ có quy định riêng về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Cụ thể, thanh toán điện tử gồm thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.

Triển khai Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2024. Về mô hình triển khai thanh toán điện tử, ông Tô Nam Toàn cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Về việc triển khai chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong khi đưa ra lộ trình, Cục Đường bộ Việt Nam đã lường trước các vấn đề để bảo đảm kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ với đơn vị cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

 Trạm thu phí sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Trạm thu phí sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Theo ông Toàn, hiện nay hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng đang triển khai đã có sẵn dịch vụ này. Trong đó, Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã kết nối ví Viettel Pay với tài khoản thu phí. Hiện nay, chỉ cần chuyển tiền từ tài khoản thu phí sang phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là chuyển đổi ngay được tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong tương lai, các đơn vị cung cấp khác như VISA có thể ký hợp đồng với VETC, VDTC để kết nối phương tiện thanh toán và chủ phương tiện có thể lựa chọn ví VISA để kết nối thanh toán.

Mua vé tàu hỏa bằng máy bán vé tự động tại ga Hà Nội.

Mua vé tàu hỏa bằng máy bán vé tự động tại ga Hà Nội.

Ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, một số mục tiêu được đặt ra đến năm 2025 như: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; tăng trưởng 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; tốc độ tăng trưởng bình quân (theo năm) về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 20-25%...

Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống thanh toán liên ngân hàng; có khoảng 85 ngân hàng sử dụng Internet Banking, 52 ngân hàng sử dụng Mobile Banking. Về giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ hoàn thành khuôn khổ pháp lý, nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật…

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thuc-day-thanh-toan-dien-tu-khong-dung-tien-mat-trong-linh-vuc-giao-thong-796739
Zalo