Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp Việt Nam

Một khoản tài chính trị giá 11,3 triệu USD không hoàn lại và 75 triệu USD phát hành bảo lãnh cho các khoản vay đầu tư tiết kiệm năng lượng từ Quỹ Khí hậu xanh (Green Climate Fund) thông qua các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam trong sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng...

Tiết kiệm năng lượng trong các ngành sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thông tin tại Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư” trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam (Dự ánVSUEE)" do Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức ngày 7/1, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, cho biết hiện nay sản xuất công nghiệp chiếm 50% tiêu thụ năng lượng toàn quốc, nhiều nhất trong nền kinh tế quốc dân...

Dự án VSUEE do Bộ Công Thương triển khai từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026, nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp Việt Nam.

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ

Bà Giang cho biết Dự án VSUEE khác với dự án trước đây của Bộ Công Thương là tập trung nhiều vào kỹ thuật và doanh nghiệp, còn dự án này có sự kết nối của các doanh nghiệp công nghiệp tới các ngân hàng thương mại, là nơi hỗ trợ cho vay đối với dự án về tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, Dự án VSUEE còn kết nối với các doanh nghiệp cung ứng thiết bị, công nghệ về tiết kiệm năng lượng, các Trung tâm khuyến công, Trung tâm tiết kiệm năng lượng của các địa phương để thúc đẩy các dự án tiết kiệm năng lượng trong sản suất công nghiệp. Mục tiêu của Dự án không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư” trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam.

Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư” trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam.

Vụ Tiết kiệm mong muốn, thông qua tọa đàm sẽ mang tới sự kết nối, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn, để có các dự án đầu tư thành công của dự án về tiết kiệm năng lượng.

Chia sẻ thông tin về Dự án VSUEE, bà Nguyễn Thu Phương, điều phối viên Ban quản lý Dự án, cho biết tổng kinh phí dự án là 11,3 triệu USD không hoàn lại cho hỗ trợ kỹ thuật và quản lý bảo lãnh là 75 triệu USD phát hành bảo lãnh cho các khoản vay đầu tư tiết kiệm năng lượng từ Quỹ Khí hậu xanh (Green Climate Fund). Dự án gồm 2 hợp phần.

Hợp phần 1: Vận hành Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF). Theo đó, Quỹ Khí hậu xanh (GCF) cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD dùng để chi trả cho Đơn vị thực hiện chương trình. Sau đó, các đơn vị này triển khai các hoạt động liên quan đến việc cung cấp các bảo lãnh một phần rủi ro tính cho các ngân hàng thương mại để bảo lãnh cho các dự án vốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp được thực hiện bởi các doanh nghiệp công nghiệp.

Hợp phần 2: Hỗ trợ kỹ thuật. Quỹ GCF cung cấp khoản viện trợ 8,3 triệu USD để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng tham gia dự án, các doanh nghiệp công nghiệp, nhà cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng và các bên liên quan khác.

Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật tới tất cả các bên tham gia dự án gồm cả SHB, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp công nghiệp và nhà cung cấp thiết bị.

Trong đó, nhóm 1 là các ngân hàng thương mại, sẽ có các chuyên gia, kỹ thuật hỗ trợ sàng lọc nhận diện dự án tiết kiệm năng lượng của các khách hành triềm năng. Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp công nghiệp, dự án sẽ có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ đánh giá thẩm định về tài chính và kỹ thuật các dự án tiết kiệm năng lượng, đảm bảo dự án không chỉ khả thi về công nghệ mà còn mang lại tài chính lâu dài cho ngân hàng.

Ngoài ra, dự án cũng có đội ngũ chuyên gia tập huấn đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật, cách thức nhận diện như thế nào là dự án tiết kiệm năng lượng, cách tính chi phí cho một dự án giảm phát thải. Năm 2025, dự án sẽ có 5 khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật cho 2 miền Bắc - Nam, tổ chức khóa đào tạo riêng về triển khai Quỹ chia sẻ rủi ro cho từng ngân hàng tham gia dự án.

Bà Phương cho biết ngoài kỹ thuật, dự án cũng hỗ trợ các ngân hàng thương mại xây dựng sản phẩm riêng cho dự án tiết kiệm năng lượng. Với xu thế hướng tới phát triển bền vững, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh bền vững thì việc này sẽ giúp các ngân hàng thương mại mở rộng thị trường gia tăng doanh thu từ sản phẩm tài chính loại này.

Đặc biệt, Dự án sẽ cấp chứng chỉ, chứng nhận ngân hàng tín dụng xanh để nâng cao uy tín hình ảnh với đối tác trong nước và quốc tế.

Các doanh nghiệp công nghiệp được lựa chọn tham gia dự án sẽ có chuyên gia kỹ thuật giúp xây dựng phát triển các dự án về tiết kiệm năng lượng hỗ trợ kiểm toán năng lượng, hồ sơ kiểm toán mức đầu tư, tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu, lựa chọn thiết bị hiệu suất tiết kiệm năng lượng cao, hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật để nộp cho ban thẩm định.

Sau quá trình triển khai dự án, chuyên gia kỹ thuật cũng sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp theo dõi, giám sát thiết bị lắp đặt nghiệm thu chạy thử, giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng sau đầu tư. Đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý năng lượng, đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho lãnh đạo doanh nghiệp. Dự kiến năm 2025 sẽ tổ chức 20 khóa đào tạo cho từng doanh nghiệp về các nội dung trên.

Doanh nghiệp tiên phong nhận được bảo lãnh của Quỹ chia sẻ rủi ro sẽ được hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh maketing sản phẩm, truyền thông quảng bá sản phẩm trên kênh truyền thông của dự án. Nhận chứng chỉ của World Bank về doanh nghiệp sử dụng hiệu quả năng lượng, doanh nghiệp sản xuất xanh. Chứng chỉ này sẽ có ích với doanh nghiệp xuất khẩu, do nhiều nước yêu cầu doanh nghiệp phải có chứng nhận sản phẩm xanh.

Đối với đơn vị cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng, dự án sẽ hỗ trợ đánh giá thị trường, xây dựng triển khai kế hoạch bán hàng để thúc đẩy thị trường thiết bị tiết kiệm năng lượng trong nước. Tổ chức khóa đào tạo nâng cao năng lực về bán hàng và makering. Năm 2024, dự án đang hỗ trợ cho 20 doanh nghiệp, và tiến hành xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng đơn vị.

HỖ TRỢ CHI TRẢ 50% RỦI RO VỀ TÀI SẢN ĐẢM BẢO

Theo ông Đỗ Tuấn Linh, Điều phối viên của Ban quản ý Dự án VSUEE, Quỹ chia sẻ rủi ro thuộc hợp phần 1 nhằm cung cấp giảm thiểu rủi ro tín dụng cho các tổ chức tài chính khi cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng.

Về cơ chế bảo lãnh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) được Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương lựa chọn làm đơn vị thực hiện chương trình. SHB sẽ quản lý và vận hành Quỹ RSF trong suốt 15 năm triển khai dự án, bao gồm hai giai đoạn: 5 năm đầu phát hành bảo lãnh và 10 năm sau thu hồi bảo lãnh. SHB sẽ phát hành bảo lãnh cho các khoản vay có mục đích đầu tư cho tiết kiệm năng lượng (Tiểu dự án hợp lệ) của doanh nghiệp công nghiệp hoặc doanh nghiệp cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Cơ chế hoạt động quỹ như sau: SHB thay mặt Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương cấp tài chính cho dự án được lựa chọn, thông qua các ngân hàng thương mại tham gia dự án, nguồn tài chính này sẽ cấp khoản vay phục vụ đầu tư tới các doanh công nghiệp, tư vấn tiết kiệm năng lượng.

Điều kiện cho yêu cầu thanh toán bảo lãnh là các khoản vay đã quá hạn trên 360 ngày và được phân loại nợ Nhóm 5; Tỷ lệ chia sẻ rủi ro: Quỹ chia sẻ rủi ro sẽ bảo lãnh không quá 50% giá trị khoản vay đầu tư cho tiết kiệm năng lượng do ngân hàng thương mại cấp cho doanh nghiệp.

Phí bảo lãnh doanh nghiệp công nghiệp cần thanh toán cho ngân hàng thương mại gồm: phí thu xếp 0,25% số tiền bảo lãnh ban đầu (trả một lần khi phát hành bảo lãnh) và phí bảo lãnh 0,7% số dư bảo lãnh (trả hàng năm).

Mục tiêu của Quỹ Khí hậu xanh là nhằm hướng đến xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân trong thẩm định và phát hành bảo lãnh. Phát triển năng lực thẩm định, quản lý, giám sát hiệu quả dự án tiết kiệm năng lượng, đây là lĩnh vực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Thông qua đó, phát triển dòng sản phẩm mới cho lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Ông Đỗ Tuấn Linh khẳng định: "Cơ chế chia sẻ rủi ro này chưa từng có tại Việt Nam và còn rất mới trên thế giới. Hy vọng, thông qua Dự án, chúng ta sẽ có dòng sản phẩm tài chính mới thúc đẩy các dự án tiết kiệm năng lượng”.

“Khi doanh nghiệp tham gia triển khai dự án sẽ phát triển được toàn bộ cơ cấu sản phẩm, biểu mẫu, quy trình triển khai... sau khi dự án kết thúc, các ngân hàng thương mại có thể "chạy" tiếp dòng sản phẩm này và nhân rộng ra toàn hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong đó lợi ích đáng chú ý nhất là cải thiện nguồn vốn cho các ngân hàng tham gia bảo lãnh sử dụng 100% nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu xanh và World Bank, là 2 tổ chức tín dụng được coi là tài sản thế chấp thanh khoản cao, xếp hạng AAA, qua đó bảo vệ các ngân hàng thương mại trước rủi ro tín dụng”, ông Linh thông tin thêm.

Với việc bảo lãnh 50% từ quỹ, các doanh nghiệp công nghiệp có khoản vay từ dự án sẽ tiếp cận được nguồn vốn vay trung dài hạn. Thực tế là hiện nhiều doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn vì yêu cầu chặt chẽ về tài sản đảm bảo.

Xu hướng tất yếu thời gian tới giá năng lượng sẽ không ngừng tăng, yêu cầu sử dụng hiệu quả, yêu cầu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, chứng chỉ chứng nhận để cả trong nước và quốc tế đều tăng dần uy tín.

Thời gian qua, SHB đã tiếp xúc tới 17 doanh nghiệp công nghiệp có nhu cầu, đã có 5 doanh nghiệp chính thức gửi thư quan tâm đề xuất tham gia đến Bộ Công Thương, Bộ cũng đã trực tiếp đến các dự án này, ngoài ra nhiều đơn vị cũng đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thật từ Bộ về báo lập báo cáo thẩm định dự án tiết kiệm năng lượng.

Tham gia hội thảo, đa phần các doanh nghiệp đều cho biết họ rất quan tâm tới nguồn vốn xanh từ dự án. Ngoài ra, những hỗ trợ về kỹ thuật cũng rất hữu ích và giá trị, nhất là đối với những doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng nguồn vốn từ dự án sẽ phù hợp với những doanh nghiệp chưa có hoặc khó khăn về tài sản đảm bảo. Đối với những doanh nghiệp đã có tài sản đảm bảo, với mức phí bảo lãnh 0,95% thì nguồn vốn này cũng không rẻ và họ có nhiều kênh tiếp cận vốn với mức vay tốt hơn Dự án”, đại diện của Công ty Cổ phần Công nghệ Mỹ Á chia sẻ.

Bổ sung thêm, một doanh nghiệp khác cho biết dự án năng lượng tái tạo bao gồm rất nhiều chi phí. Chẳng hạn như điện mặt trời mái nhà, phần dựng khung thiết bị ở dưới tốn kém hơn tấm pin mặt trời trên mái. Tuy nhiên, các cấu phần ở dưới lại không được tính vào phần được vay vốn từ dự án. "Sắp tới, doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư 5 triệu USD cho dự án sản xuất điện mặt trời, do đó, cần dự án hỗ trợ trực tiếp 1-2% lãi suất hơn là bảo lãnh rủi ro tài sản đảm bảo" đại diện doanh nghiệp đề xuất.

Theo bà Phương, mục tiêu chính của Dự án hướng đến hỗ trợ nâng cao năng lực và giảm rủi ro trong các khoản vay về tiết kiệm năng lượng cho các ngân hàng thương mại. Do đó, việc giảm lãi suất khoản vay trực tiếp cho doanh nghiệp công nghiệp sẽ là câu chuyện của các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp dự án.

Nguyệt Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuc-day-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-trong-nganh-cong-nghiep-viet-nam.htm
Zalo