Thúc đẩy quyền văn hóa trong thời đại công nghệ 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật và các nền tảng số đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa.
Những chuyển biến này không chỉ ảnh hưởng đến cách con người sáng tạo, tiếp cận và tiêu dùng văn hóa, mà còn đặt ra yêu cầu mới trong việc bảo đảm quyền văn hóa. Tại Việt Nam, thúc đẩy quyền văn hóa không chỉ là thực hiện cam kết quốc tế, mà còn là điều kiện thiết yếu để bảo tồn bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm và xây dựng con người toàn diện.

Độc đáo lễ hội giàu bản sắc văn hóa tại Quan Lạn. (Nguồn: TTXVN)
Quyền văn hóa và cách mạng công nghiệp 4.0
Quyền văn hóa được ghi nhận như một quyền cơ bản, mang tính phổ quát, không thể bị phủ nhận hoặc tước bỏ của con người. Theo văn kiện của Liên hợp quốc, quyền văn hóa được hiểu là tập hợp các quyền cho phép cá nhân và cộng đồng tham gia vào đời sống văn hóa, sáng tạo, bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa của mình, đồng thời tiếp cận các thành tựu khoa học và công nghệ nhằm phục vụ đời sống tinh thần.
Quyền văn hóa được ghi nhận tại nhiều văn kiện pháp lý mang tính quốc tế. Điều 27 Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 (UDHR) quy định: “Mọi người đều có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ sự tiến bộ về khoa học cùng những lợi ích của nó”.
Điều 15 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR) xác lập ba quyền cụ thể: Quyền tham gia đời sống văn hóa cộng đồng; quyền được tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa và tiến bộ khoa học; và quyền sáng tạo văn hóa và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo của mình.
Bên cạnh đó, Tuyên ngôn UNESCO về đa dạng văn hóa năm 2001 cũng nhấn mạnh quyền của các cá nhân và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy và làm phong phú bản sắc văn hóa của mình.
Cách mạng công nghiệp 4.0 khởi nguồn từ sự hội tụ của các công nghệ số, sinh học và vật lý, tạo ra những biến đổi mang tính hệ thống trong cách con người sản xuất, tiêu dùng và sống. Các công nghệ chủ chốt bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), in 3D và công nghệ di truyền (Genomics).
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có những ảnh hưởng nhất định đến văn hóa và sáng tạo.
Thời gian qua ở Việt Nam, quyền văn hóa trong bối cảnh 4.0 cũng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định rõ qua các văn bản như: Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đề ra mục tiêu, yêu cầu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”; Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...
Có thể nói, những chương trình hành động trên là cơ sở để bảo đảm mọi công dân được tiếp cận công bằng và thụ hưởng văn hóa trong môi trường số hóa.
Trong bối cảnh văn hóa không còn bị giới hạn bởi địa lý, việc bảo đảm quyền văn hóa trong thời đại công nghệ 4.0 có vai trò then chốt đối với Việt Nam. Điều này vừa giúp gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa và số hóa, vừa thúc đẩy sự tham gia sáng tạo của cộng đồng, phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo.
Đồng thời, quyền văn hóa trên không gian số còn góp phần thu hẹp khoảng cách vùng miền, bảo vệ nhóm yếu thế và thúc đẩy công bằng xã hội, phát triển con người toàn diện.

Du khách khám phá, trải nghiệm các sản phẩm văn hóa với công nghệ thực tế ảo tại khu di sản Đại Nội Huế. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL)
Cơ hội thúc đẩy quyền văn hóa
Thứ nhất, công nghệ mở ra không gian mới cho tiếp cận và thụ hưởng văn hóa. Người dân có thể tham quan bảo tàng ảo, xem biểu diễn nghệ thuật qua livestream, học hát quan họ hay thêu tranh dân gian qua các nền tảng số. Các ứng dụng như iMuseum VFA, thư viện số quốc gia hay các trang mạng xã hội đã giúp việc tiếp cận văn hóa trở nên dễ dàng và phổ cập hơn bao giờ hết.
Thứ hai, sự phát triển của công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo mang lại cơ hội lớn cho việc gắn kết văn hóa với phát triển. Các lĩnh vực như điện ảnh, thiết kế, thời trang… không chỉ phản ánh bản sắc văn hóa Việt mà còn tạo giá trị kinh tế.
Trong giai đoạn 2018-2022, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp bình quân khoảng 1,059 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm[1]. Năm 2023, Việt Nam có hơn 60 triệu game thủ, ngành công nghiệp game phát triển vượt bậc nhờ công nghệ AI và VR[2].
Thứ ba, công nghệ hỗ trợ tích cực cho việc bảo tồn di sản văn hóa. Nhờ công nghệ 3D, VR/AR, nhiều di tích, lễ hội, hiện vật văn hóa đã được số hóa để lưu giữ, phục dựng và giới thiệu ra thế giới. AI và Big Data cũng đang được ứng dụng để phân tích, khôi phục và dịch các tài liệu cổ, nâng cao hiệu quả bảo tồn văn hóa dân tộc.
Thứ tư, thúc đẩy vấn đề cải cách pháp lý phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực văn hóa. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực duy trì ổn định chính trị và thực hiện các cải cách pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh. Đầu tư vào giáo dục và bảo tồn văn hóa dân tộc đã giúp tạo ra một nền tảng vững chắc để phát triển bền vững và bảo tồn bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức cộng đồng.

Chùa Diên Hựu được phục dựng bằng công nghệ VR3D. (Nguồn: Sen Heritage)
Bảo đảm quyền văn hóa trong thời đại công nghệ 4.0
Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng việc thực thi quyền văn hóa trong thời đại công nghệ số cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Hệ thống pháp luật và chính sách về văn hóa vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả trong môi trường mạng còn nhiều lỗ hổng, khiến cho di sản văn hóa có nguy cơ bị sao chép, thương mại hóa trái phép mà không có cơ chế bồi hoàn hoặc công nhận xứng đáng cho cộng đồng sở hữu gốc.
Bất bình đẳng số đang làm gia tăng khoảng cách trong tiếp cận văn hóa. Vùng sâu, vùng xa, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, thường thiếu điều kiện về hạ tầng mạng, thiết bị số, cũng như kĩ năng sử dụng công nghệ dẫn đến người dân dễ bị gạt ra ngoài tiến trình bảo tồn và lan tỏa di sản, trong khi các tổ chức lớn lại chiếm ưu thế trong khai thác giá trị.
Bản sắc văn hóa dân tộc đứng trước nguy cơ bị “đồng hóa mềm”. Việc chạy theo xu hướng, “remix” các giá trị truyền thống để phù hợp thị hiếu mạng xã hội có thể khiến di sản bị lệch lạc, mất đi tính nguyên bản và chiều sâu tinh thần vốn có.
Vai trò trung tâm của cộng đồng trong bảo tồn di sản chưa được đề cao đúng mức. Nhiều dự án số hóa, khai thác di sản văn hóa chưa thực sự có sự tham gia, đồng thuận và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương - những người lưu giữ giá trị đích thực.
Trước những thách thức kể trên cần có những cơ chế, giải pháp đủ mạnh để bảo đảm và thúc đẩy quyền văn hóa trong thời đại công nghiệp 4.0.
Một là, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về văn hóa trong môi trường số. Ban hành các quy định pháp lý bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia và thụ hưởng đời sống văn hóa số của mọi công dân, đặc biệt ưu tiên các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật.
Bổ sung các quy định bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với di sản văn hóa số hóa và tri thức truyền thống, ngăn chặn tình trạng sao chép, chiếm dụng hoặc thương mại hóa trái phép. Xây dựng cơ chế đăng kí, chứng nhận và quản lý quyền sở hữu di sản dưới dạng số hóa.
Hai là, cần thu hẹp khoảng cách số để bảo đảm quyền tiếp cận công nghệ cho mọi công dân. Đầu tư phát triển hạ tầng số tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nhằm mở rộng mạng lưới Internet tốc độ cao và phủ sóng di động. Đẩy mạnh các chương trình đào tạo kĩ năng số cho cán bộ văn hóa, nghệ nhân và người dân. Phát triển các nền tảng trực tuyến thân thiện, dễ sử dụng nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp cận bình đẳng với các giá trị văn hóa trong không gian số.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Công nghệ hiện đại như 3D, VR, AR có thể được ứng dụng để số hóa toàn diện di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tái hiện sinh động các không gian lễ hội, làng nghề, di tích lịch sử… Tích hợp trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cũng giúp tăng hiệu quả trong công tác nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa quý báu.

Du khách trải nghiệm tour du lịch Mộc Châu qua công nghệ thực tế ảo. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL)
Bốn là, tôn trọng và phát huy vai trò trung tâm của cộng đồng. Thiết lập các cơ chế tham vấn, đồng quản lý và phân chia lợi ích công bằng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khi thực hiện các dự án số hóa hoặc khai thác giá trị di sản. Cần có các biện pháp cụ thể để bảo vệ tri thức bản địa, ngăn chặn nguy cơ xuyên tạc, thương mại hóa lệch chuẩn giá trị văn hóa.
Năm là, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa và khuyến khích sáng tạo dựa trên công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các dự án ứng dụng công nghệ vào thiết kế sản phẩm văn hóa. Cần hình thành các nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt cho sản phẩm văn hóa, hỗ trợ cộng đồng nghệ nhân và làng nghề tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy quyền văn hóa. Việt Nam cần tích cực tham gia vào các sáng kiến, dự án quốc tế liên quan đến số hóa di sản và phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước trong quản trị sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế văn hóa từ đó xây dựng các chính sách phù hợp hơn với xu thế toàn cầu. Thúc đẩy ngoại giao văn hóa số để giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, nâng cao vị thế quốc gia trong nền kinh tế tri thức.
Quyền văn hóa là quyền của mỗi người được sống, được sáng tạo, được gìn giữ và chia sẻ văn hóa của mình. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, quyền ấy vừa rộng mở hơn bao giờ hết, vừa đối mặt với những thách thức mới chưa từng có.
Tại Việt Nam, bảo đảm quyền văn hóa không chỉ là nhiệm vụ pháp lý hay chính trị, mà còn là một sứ mệnh nhân văn - góp phần giữ gìn cốt cách dân tộc, xây dựng bản sắc số, và lan tỏa sức mạnh mềm trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.
(*) Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
[1] https://chinhtrivaphattrien.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-o-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-va-giai-phap-a8624.html
[2] https://vatvostudio.vn/nganh-game-viet-nam-tiem-nang-ty-do-nhung-thach-thuc-khong-nho/