Thúc đẩy quản lý chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, giáo dục đại học đang đối mặt với nhiều thách thức; trong đó có việc quản lý và nâng cao chất lượng.
Tại Hội thảo quốc gia với chủ đề “Quản lý chất lượng trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 26/12, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nhà quản lý, giảng viên đã cùng nhau trao đổi, bàn luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý về quản lý chất lượng trong giáo dục đại học.
Thách thức trong mô hình quản lý chất lượng
Chia sẻ về các mô hình quản lý chất lượng trong cơ sở giáo dục đại học, TS Phan Huy Hùng, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: chất lượng đại học là khái niệm đa chiều. Quản lý chất lượng được xem là một trong những yếu tố then chốt cho sự thành công và tồn tại của tổ chức nói chung, cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Trong những thập kỷ qua, nhiều cách tiếp cận khác nhau đã được đưa ra liên quan đến quản lý chất lượng. Thông qua các tiếp cận này, nhiều công cụ và mô hình khác nhau được sử dụng cho mục đích quản lý chất lượng.
Hiện giáo dục đại học sử dụng 3 mô hình quản lý chất lượng cơ bản: quản lý chất lượng tổng thể, quản lý chất lượng châu Âu và quản lý chất lượng thẻ điểm cân bằng.
Phân tích sâu về mô hình quản lý chất lượng tổng thể (TQM), TS Phan Huy Hùng nêu 9 tiêu chí đánh giá, gồm: sự tham gia toàn diện của nhân viên, cải tiến liên tục, làm việc nhóm, trao quyền, đào tạo liên tục, sự hài lòng của khách hàng, cam kết - hỗ trợ, quản lý dân chủ, thay đổi trong văn hóa.
Dù được đánh giá cao và ứng dụng rộng rãi với các ưu điểm nổi trội như giảm lỗi trong quá trình thực hiện, tăng sự hài lòng của khách hàng, giảm chi phí, xây dựng văn hóa tổ chức cụ thể; song mô hình TQM vẫn mang đến nhiều thách thức, như yêu cầu nhiều thời gian và nguồn lực (con người, chi phí…), cần sự cam kết của cả tập thể, rủi ro khi thực hiện các hoạt động rời rạc.
Mô hình quản lý chất lượng châu Âu lại có tính phức tạp và cần nhiều nỗ lực để triển khai; khó khăn trong triển khai đối với cơ sở giáo dục đại học nhỏ và có nguồn lực hạn chế; đưa ra ít giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề được xác định cần cải thiện; dựa quá nhiều vào tự đánh giá nên dễ dẫn đến kết quả chủ quan và thiếu chính xác.
Với mô hình thẻ điểm cân bằng, một số vấn đề tiềm ẩn được kể đến như: chống lại sự thay đổi, thu thập và bảo đảm chất lượng dữ liệu phức tạp, quá chú trọng vào các số liệu tài chính, bỏ qua đánh giá thường xuyên, nguy cơ trì trệ và bỏ lỡ các cơ hội cải thiện…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng
Trong bối cảnh chuyển đổi số, bảo đảm chất lượng giáo dục chủ động đã nổi lên như một cách tiếp cận mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là AI để dự đoán và giải quyết các vấn đề tiềm tàng trước khi chúng xảy ra. Cách tiếp cận này không chỉ dừng lại ở việc giám sát và cải tiến chất lượng mà còn nhấn mạnh vai trò của phân tích dữ liệu lớn trong việc hỗ trợ các quyết định chiến lược. Tại bậc đại học, AI hỗ trợ các nhà quản lý đánh giá hiệu quả chương trình học và tối ưu hóa tài nguyên dựa trên các phân tích chi tiết và chính xác.
Theo TS Kim Mạnh Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc ứng dụng AI không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong giáo dục.
Để khai thác tối đa lợi ích từ AI, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, các cơ sở giáo dục và các bên liên quan nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai công nghệ một cách hiệu quả và toàn diện.
AI mang lại cơ hội lớn cho hệ thống giáo dục Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, tối ưu hóa quản trị và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hội nhập quốc tế. Với sự đầu tư mạnh mẽ và chiến lược triển khai rõ ràng, AI sẽ trở thành công cụ đắc lực để thúc đẩy giáo dục Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững, góp phần vào việc xây dựng một xã hội tri thức hiện đại và công bằng.
Từ thực tế công tác này tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, TS Đinh Thị Kim Thương nêu ra một số bài học cơ bản về quản lý chất lượng khoa học công nghệ (KHCN), đó là phải có định hướng chiến lược rõ ràng; xây dựng tiêu chí đánh giá, nâng cao năng lực đội ngũ; tăng cường phối hợp liên ngành; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; quản lý dữ liệu và thông tin hiệu quả, đánh giá và phản hồi thường xuyên; khuyến khích đổi mới sáng tạo và tham gia vào cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của KHCN, việc quản lý chất lượng là một yếu tố then chốt bảo đảm sự thành công, bền vững trong các nghiên cứu và ứng dụng.
Qua quá trình phân tích và rút ra bài học từ thực tiễn công tác quản lý chất lượng KHCN, có thể thấy việc xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng, kết hợp với các tiêu chí đánh giá phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Cùng với đó, việc đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường phối hợp liên ngành, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ là những biện pháp cần thiết để tối ưu hóa hiệu quả của hoạt động KHCN.
Ngoài ra, công tác quản lý dữ liệu và thông tin hiệu quả, thực hiện quy trình đánh giá, phản hồi thường xuyên sẽ góp phần tạo ra môi trường làm việc tích cực, khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ tiên tiến.
Nhìn ra các quốc gia trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh: các nước đã triển khai nhiều phương pháp và mô hình quản lý chất lượng khác nhau, từ việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá đến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Những điều đó vừa khẳng định vai trò, vừa giúp cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.
Hội thảo "Quản lý chất lượng trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" là cơ hội để các nhà giáo dục, nhà khoa học và chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về quản lý chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay.
Hội thảo thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước. Từ hơn 100 bài nghiên cứu được gửi về, Hội thảo đã lựa chọn khoảng 80 bài để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các báo cáo đã mang lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, góp phần thúc đẩy quản lý chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập.