Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Campuchia, Philippines và liên nghị viện ASEAN

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Philippines và dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43), từ ngày 19-25/11/2022.

Chia sẻ đánh giá sau chuyến thăm, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội đã thành công rất tốt đẹp. Với gần 50 hoạt động trong 7 ngày (19-25/11), nội dung làm việc đã hoàn thành vượt so với dự kiến.

Điều này thể hiện không chỉ trong các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao của Quốc hội Việt Nam với lãnh đạo cấp cao các Cơ quan lập pháp của Campuchia, Philippines; giữa các cuộc tiếp xúc, hội kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - đại diện lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam với các Nhà lãnh đạo cấp cao của cả hai nước tới thăm chính thức, mà còn thể hiện trong các phiên họp Đại hội đồng AIPA-43. Đó là số lượng các cuộc tiếp xúc song phương bên lề AIPA-43 giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với lãnh đạo Nghị viện một số nước trong khu vực ASEAN và lãnh đạo Nghị viện các nước Quan sát viên của AIPA…

Củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin duyệt Đội danh dự. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin duyệt Đội danh dự. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là sự kiện đánh dấu kết thúc thành công chuỗi hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022, kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967-24/6/2022).

Đánh giá về những kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức Campuchia, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, chuyến thăm được Campuchia tổ chức hết sức trọng thị. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận được tình cảm chân thành, sự đón tiếp trọng thị, chu đáo mà lãnh đạo cấp cao và nhân dân Campuchia dành cho Đoàn. Các nhà lãnh đạo Campuchia đều khẳng định, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp phần củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Tại Nhà Quốc hội, bạn dành nghi lễ đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn ở mức độ rất cao. Quân nhạc cử quốc thiều Việt Nam và Campuchia, hai Chủ tịch Quốc hội hai nước cùng song bước duyệt đội Danh dự Quân đội Campuchia…

Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Quốc vương, Hoàng Thái hậu, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện Campuchia và nhận chuyển lời hỏi thăm, lời chúc mừng tốt đẹp của các Nhà lãnh đạo cấp cao của Campuchia tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.

Trong chuyến thăm, các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước đã có những trao đổi, thảo luận sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. “Phương châm của mối quan hệ Việt Nam và Campuchia được xác định là láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài. Sự đón tiếp của bạn đối với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cũng như đón tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó thăm chính thức, dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41, đã thể hiện sự coi trọng đối với quan hệ hai nước trên tất cả các kênh”, ông Vũ Hải Hà nhấn mạnh.

Về hợp tác giữa các Cơ quan lập pháp hai nước, lãnh đạo hai bên đã nhất trí phối hợp giám sát, đôn đốc việc thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương đã ký kết hoặc là thành viên, nhất là các nội dung hợp tác mới được Thủ tướng hai nước thống nhất; xây dựng quan hệ đối tác trong đề cao luật pháp quốc tế và thúc đẩy các giải pháp đa phương đối với các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, an ninh lương thực - năng lượng - nguồn nước và an ninh y tế; đẩy mạnh hơn nữa các chương trình hợp tác và phát triển chung dọc khu vực biên giới nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, lãnh đạo Cơ quan lập pháp hai nước cũng nhấn mạnh Việt Nam và Campuchia cần tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong; tích cực góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Hun Sen nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong đó có việc tạo điều kiện giải quyết giấy tờ pháp lý, cũng như hoan nghênh những ý tưởng và mô hình hợp tác mới để tạo sinh kế cho người gốc Việt tại Campuchia. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh việc đào tạo cán bộ trẻ, coi đây là nhân tố quan trọng trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia.

Một điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đó là Lãnh đạo Quốc hội hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Campuchia. Thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Campuchia cũng đã được ký. Các văn kiện này sẽ đưa hợp tác giữa hai Quốc hội đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, phù hợp bối cảnh và tình hình mới.

Cùng xây dựng một cộng đồng ASEAN tự cường, toàn diện và bền vững

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất AIPA-43, chiều 21/11/2022. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất AIPA-43, chiều 21/11/2022. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ngay sau khi thăm chính thức Campuchia, Chủ tịch Quốc hội đã tham dự Đại hội đồng AIPA-43 do nước chủ nhà Campuchia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA 2022. Phù hợp với chủ đề của ASEAN năm nay là “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức”, Đại hội đồng AIPA-43 có chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững”.

Bế mạc AIPA-43, Trưởng đoàn các nghị viện thành viên AIPA đã ký Thông cáo chung của Đại hội đồng AIPA-43. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch AIPA-43 Heng Samrin bày tỏ cam kết chính trị tập thể của AIPA giúp xây dựng một cộng đồng ASEAN tự cường, toàn diện và bền vững hơn, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN. Rất nhiều nghị quyết đã được thông qua tại phiên họp các Hội nghị, Ủy ban và đối thoại với 16 Quan sát viên, thể hiện nỗ lực tập thể, vì mục tiêu chung, chia sẻ lợi ích và cùng giải quyết các thách thức phức tạp của khu vực và quốc tế. Đại hội đồng AIPA-43 kết thúc tốt đẹp với việc chuyển giao vai trò Chủ tịch AIPA 2022 - 2023 cho Nghị viện Indonesia - nước chủ nhà của Đại hội đồng AIPA-44.

Đánh giá về thành công và điểm mới, ông Vũ Hải Hà cho rằng, Đại hội đồng AIPA-43 do Campuchia tổ chức ngay sau thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41. Campuchia với vai trò nước chủ nhà đã làm rất tốt, từ công tác nội dung cho đến tổ chức và lễ tân. Các văn kiện đạt được sự đồng thuận rất cao của các Nghị viện thành viên AIPA. Các phiên đối thoại diễn ra tốt đẹp, mở ra cơ hội mới để tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các nước đối thoại trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Đoàn Việt Nam với tinh thần chủ động, tích cực ngay từ khâu chuẩn bị, các nội dung cho chương trình nghị sự đã đóng góp vào xây dựng chủ đề chung của hội nghị. Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPA-43 đã nhấn mạnh đến việc tăng cường đoàn kết trong ASEAN để phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng như phát triển một cách bền vững. Đoàn Việt Nam đã tham gia vào chương trình nghị sự của các Ủy ban; đồng bảo trợ 4 nghị quyết liên quan đến vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế, chuyển đổi số, bình đẳng giới.

Để triển khai trên thực tế, ông Vũ Hải Hà cho biết, theo quy định của AIPA, tất cả các văn kiện của AIPA sẽ được các Nghị viện thành viên chuyển tải thành các chương trình nghị sự của các nghị viện để triển khai thực hiện.

“Với tinh thần đó, chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung quan trọng của kỳ họp lần này để chúng ta lồng ghép vào các chương trình, hoạt động sắp tới của Quốc hội Việt Nam”, ông Vũ Hải Hà chia sẻ.

Quang cảnh Phiên họp Ban chấp hành AIPA-43. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quang cảnh Phiên họp Ban chấp hành AIPA-43. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong khuôn khổ AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã ký Tuyên bố chung của các Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Lào, Việt Nam, lần đầu tiên thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV).

Ông Vũ Hải Hà cho biết, việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội CLV phù hợp với tầm nhìn của nhiều thế hệ Chủ tịch Quốc hội ba nước. Cơ chế hợp tác này được hình thành trong thời gian vừa qua mới ở cấp Ủy ban. Để tương đồng, song hành cùng các cơ chế hợp tác khác trên kênh Đảng, Chính phủ của cơ chế hợp tác ba nước, việc ba Chủ tịch Quốc hội tuyên bố thành lập cơ chế Hội nghị cấp cao của Quốc hội ba nước sẽ hỗ trợ rất nhiều cho kênh hợp tác của Chính phủ trong thời gian tới, thúc đẩy việc triển khai các chương trình, dự án hợp tác giữa ba nước, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa 3 nước đã có từ rất lâu đời. Trong quá khứ, ba nước cùng đoàn kết, sát cánh cùng nhau trong đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay càng cần tăng cường sự hợp tác ba nước để đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự cường và tăng cường hội nhập quốc tế.

Bên lề AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước, gồm: Chủ tịch Quốc hội Singapore, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Azerbaijan, Chủ tịch Hạ viện Maroc, Chủ tịch Quốc hội Nepal, Phó Chủ tịch Hội đồng Liêng bang Nga, Phó Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội Belarus, Phó Chủ tịch Quốc hội Ukraina…

Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Nghị viện các nước nhất trí cho rằng, các bên còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác nhiều mặt; cùng mong muốn thúc đẩy hợp tác, đưa hợp tác nghị viện trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương; khẳng định tầm quan trọng của việc nhanh chóng nối lại trao đổi đoàn cấp cao sau đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng, tạo xung lực mới cho tiến trình hợp tác, cùng phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch.

Dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez tại lễ đón. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez tại lễ đón. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Từ ngày 23-25/11, Chủ tịch Quốc hội đã thăm chính thức Philippines. Chia sẻ về kết quả chuyến thăm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đây là chuyến thăm chính thức Philippines đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2022 và của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 16 năm, đồng thời là một trong những chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Quốc hội nước ngoài đến Philippines sau khi Philippines tổ chức thành công tổng tuyển cử (tháng 5/2022) và có ban lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện mới (tháng 7/2022).

Việt Nam và Philippines là hai nước trong khối ASEAN. Philippines là quốc gia có dân số đứng thứ hai trong ASEAN. Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Thành công tốt đẹp từ chuyến thăm góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, hợp tác đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục, cũng như công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Bùi Văn Cường cho rằng, điểm đặc biệt, chưa có tiền lệ trong ngoại giao nghị viện là lần này cả Hạ viện và Thượng viện Philippines đã ra Nghị quyết riêng khẳng định tăng cường quan hệ giữa Cơ quan lập pháp hai nước, trong đó Philippines đã thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Philippines - Việt Nam. Điều này chứng tỏ bạn rất coi trọng vị trí của Quốc hội trong hệ thống chính trị Việt Nam; mong muốn hai bên cùng hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước để góp phần nâng cao vị trí, vai trò và kết quả hoạt động của Thượng viện, Hạ viện Philippines. Ở chiều ngược lại, trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan lập pháp hai nước sẽ góp phần để Quốc hội Việt Nam ngày càng hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như triển khai, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chuyển lời thăm hỏi, chúc mừng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tới Lãnh đạo cấp cao của Philippines. Lãnh đạo cấp cao Philippines thể hiện sự trân trọng cảm ơn và gửi lời thăm hỏi tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; đồng thời cảm ơn Việt Nam luôn là đối tác cung cấp gạo tin cậy và ổn định, giúp Philippines bảo đảm an ninh lương thực. Thương mại gạo là một trong những nội dung hợp tác được hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa. Philippines cũng mong muốn xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng sang Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn đầu tư - thương mại Việt Nam - Philippines. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn đầu tư - thương mại Việt Nam - Philippines. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Lần đầu tiên tại Philippines, với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri, các cơ quan chức năng hai nước đã tổ chức Diễn đàn đầu tư, thương mại lớn, có sự tham gia của hơn 200 doanh nhân hai nước. Lãnh đạo hai nước kỳ vọng vào năm 2026 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương - con số này sẽ đạt hơn 10 tỷ USD theo hướng cân bằng. Còn đại diện doanh nghiệp của Philippines thì hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD bởi cho rằng dư địa còn khá lớn, khả năng sẽ có bước đột phá trong tương lai.

Cùng với đó, các lĩnh vực hợp tác, như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chuyển đổi năng lượng xanh, du lịch, giao lưu nhân dân, an ninh mạng… cũng được hai bên quan tâm thúc đẩy.

Là hai quốc gia thành viên ASEAN, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các tổ chức và diễn đàn khu vực, quốc tế thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã nhất trí tăng cường trao đổi, phối hợp lập trường chung về các vấn đề đa phương trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); nhấn mạnh việc củng cố đoàn kết, lập trường và vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý các thách thức hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm một đối tác rất quan trọng mà lâu nay hai nước ít có điều kiện trao đổi đoàn. Chuyến thăm đã thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với Ban lãnh đạo mới của Philippines và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines.

Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống, Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Philippines đều nhất trí cho rằng, dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, nhất là khi hai nước có nhiều điểm tương đồng về quy mô dân số, hai nền kinh tế không mang tính cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.

Nhất trí hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos và Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel Zubiri đã khẳng định với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ sớm sang thăm chính thức Việt Nam.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/thuc-day-quan-he-hop-tac-voi-campuchia-philippines-va-lien-nghi-vien-asean-20221126154948796.htm
Zalo