Thúc đẩy mối quan hệ đồng hành cùng phát triển giữa báo chí và doanh nghiệp

Ngày 24/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024 với chủ đề 'Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí'.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI...

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2024" trong khuôn khổ hợp tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức lần thứ 2 là sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy và tăng cường hiểu biết, hợp tác và hỗ trợ phát triển giữa báo chí và doanh nghiệp. Diễn đàn hướng đến mục tiêu lớn nhất là đóng góp tối đa vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội của đất nước...

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn...

Chia sẻ tại diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà. Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp. Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn...

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại diễn đàn.

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan báo chí. Lực lượng này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát song với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại diễn đàn.

Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí -doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng giữa hai bên. Báo chí và doanh nghiệp cũng cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao...

Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ đồng hành cùng phát triển. Báo chí hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, đồng thời cung cấp thông tin giúp nhà nước hoàn thiện chính sách quản lý. Tuy nhiên, một bài báo có thể giúp một doanh nghiệp thành công nhưng cũng có thể làm sụp đổ cả một thương hiệu nếu thông tin không được kiểm chứng cẩn thận... Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, báo chí cần đặt tính trung thực, khách quan trong đưa tin, cần kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng từ nhiều nguồn trước khi đăng bài; cân bằng giữa thông tin tiêu cực và tích cực, tránh đưa tin một chiều phiến diện. Các ý kiến cũng cho rằng, xây dựng 1 bộ chỉ tiêu đánh giá xếp hạng báo chí liên quan đến kinh tế và doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay...

Cũng tại diễn đàn, Ban Tổ chức đã tổ chức đã vinh danh các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thuc-day-moi-quan-he-dong-hanh-cung-phat-trien-giua-bao-chi-va-doanh-nghiep-i748099/
Zalo