Thúc đẩy hợp tác Việt-Nga trong đào tạo nhân lực hạt nhân trình độ cao
Đánh giá cao đối với sự đóng góp của Đại học Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga (MEPhI) trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho Việt Nam, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt bày tỏ mong muốn MEPhI tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ các nhà khoa học trẻ, sinh viên, nghiên cứu sinh và các chuyên gia sang học tập và làm việc tại Nga.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với MEPhI.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục hạt nhân, trong đó có việc tăng số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại MEPhI liên quan kế hoạch xây dựng dự án quan trọng nhất trong hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực hạt nhân - đó là Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân (CNST) tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp quý báu của MEPhI trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, khẳng định nhiều thế hệ các nhà khoa học, kỹ thuật giỏi của Việt Nam được đào tạo và tốt nghiệp tại MEPhI đã và đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Theo Bộ trưởng, MEPhI được biết đến là một trong những trường danh tiếng hàng đầu về ngành hạt nhân không chỉ tại Nga mà còn trên thế giới. Hằng năm, MEPhI có các chương trình học bổng dành cho sinh viên Việt Nam về các chuyên ngành như: Vật lý, công nghệ hạt nhân, điện hạt nhân, toán ứng dụng, vật liệu, kỹ thuật thông tin và máy tính..., với gần 400 cán bộ chuyên ngành điện hạt nhân đã được MEPhI đào tạo cho Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng và Việt Nam nói chung luôn dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Với mục đích thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực này, vào cuối năm 2023, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã ký với MEPhI thỏa thuận hợp tác về hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, bộ đang triển khai xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) với lò hạt nhân nghiên cứu mới cùng Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM).
Bên cạnh đó Việt Nam cũng đang nghiên cứu, xem xét khả năng trở lại phát triển điện hạt nhân. Do đó, nguồn nhân lực hạt nhân càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu nói chung và bối cảnh cụ thể của Việt Nam.
Dựa trên những thế mạnh và truyền thống lâu dài của MEPhI trong việc đào tạo nhân lực cho Việt Nam, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn MEPhI tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ các nhà khoa học trẻ, sinh viên, nghiên cứu sinh và các chuyên gia có cơ hội học tập và nghiên cứu tại MEPhI, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhất là năng lượng nguyên tử.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị 2 bên tiếp tục trao đổi, triển khai các hạng mục hợp tác thông qua các đầu mối của Bộ Khoa học và Công nghệ là Vụ Hợp tác quốc tế cũng như đầu mối chuyên môn tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Về phần mình, ông Vladimir Shevchenko, Hiệu trưởng MEPhI đã giới thiệu cho đoàn Việt Nam về dự án Obninsk-TECH, theo đó dự kiến triển khai các chương trình giáo dục không chỉ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân mà còn trong các ngành liên quan dành cho sinh viên đến từ các quốc gia mà ROSATOM đang xây dựng chiến lược hợp tác lâu dài.
Nhấn mạnh hợp tác giữa MEPhI và phái Việt Nam vẫn được duy trì dựa trên 3 thỏa thuận vào năm 2023, ông Shevchenko cũng bày tỏ mong muốn tăng số lượng sinh viên Việt Nam tại MEPhI lên 20 người mỗi năm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa 2 bên.
Hai bên thống nhất sẽ tăng cường phát triển và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh.
Ngoài việc đào tạo nhân sự cho Việt Nam về hạt nhân và các chuyên ngành liên quan, hai bên cũng thảo luận về khả năng hợp tác khoa học liên quan vật liệu mới cho ngành công nghiệp hạt nhân và các mô hình toán học của các lò phản ứng hạt nhân hiện đại, cũng như trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia, tổ chức hội thảo và trao đổi sinh viên.