Thúc đẩy hợp tác liên kết quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Nằm ở trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định giữ vị trí, vai trò quan trọng trong vùng tam giác phát triển kinh tế Bắc Bộ; trong trục hành lang phát triển kinh tế ven biển dọc theo vùng Duyên hải Bắc Bộ. Xác định chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của nền kinh tế, góp phần khẳng định vị thế của Nam Định, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu mới.

Học trên mô hình của lớp đào tạo nghề Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.

Học trên mô hình của lớp đào tạo nghề Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.

Phát huy thế mạnh của mảnh đất có truyền thống hiếu học, có bề dày chất lượng giáo dục toàn diện, lực lượng lao động dồi dào và được đánh giá là một trong 10 trung tâm đào tạo có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp lớn nhất cả nước (với 4 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, thu hút được hơn 50 nghìn học sinh, sinh viên trong cả nước nghiên cứu và học tập) những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai quy hoạch, xây dựng khu đại học và giáo dục chuyên nghiệp tập trung; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nâng cấp, mở rộng, phát triển các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đầu tư và thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi về khoa học - công nghệ để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định được định hướng xây dựng thành trường chất lượng cao, tiên tiến, hiện đại. Năm 2024, trường đã có nhiều đột phá trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là nỗ lực chủ động tìm kiếm thị trường, cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên của trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề.

Thầy Đinh Văn Hoản, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định cho biết: Từ năm 2019 sau khi sáp nhập 6 trường trung cấp vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nam Định, trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa chức năng, đa ngành nghề, trường đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, của địa phương và xã hội. Hiện nay, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định có 11 cơ sở đào tạo tại thành phố Nam Định và các huyện: Ý Yên, Trực Ninh, Giao Thủy, với tổng diện tích 22,7ha, cùng với đội ngũ 248 cán bộ, giáo viên, trong đó 69 người trình độ trên đại học, 175 người trình độ đại học, 100% giáo viên có nghiệp vụ sư phạm bậc 1, 2. Đặc biệt năm 2023, được sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) và UBND tỉnh, nhà trường được đầu tư dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp với quy mô đầu tư 95 tỷ đồng, đang được thi công theo đúng tiến độ.

Trường hiện đào tạo 15 ngành nghề trình độ Cao đẳng, 34 nghề trình độ Trung cấp và 37 nghề Sơ cấp thuộc các lĩnh vực Cơ khí chế tạo; Điện - Điện tử; Công nghệ thông tin; May thời trang; Nông nghiệp - Thủy sản; Du lịch, dịch vụ khách sạn nhà hàng và lĩnh vực kinh tế. Năm 2023 nhà trường đã phát triển đào tạo thêm 3 nghề mới gồm nghề Sửa chữa thiết bị máy may; nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí và nghề Chăm sóc sắc đẹp. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tập trung xây dựng chương trình đào tạo bảo đảm tính khoa học, logic, hệ thống, thực tiễn, phù hợp và linh hoạt; đổi mới phương pháp đào tạo gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc thực hiện kế hoạch, nội dung đào tạo. Nhà trường có nhiều phương án phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập và làm việc. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Trong 5 năm qua (2020-2024), nhà trường đã đào tạo 10.686 học sinh, sinh viên, học viên, trong đó: hệ cao đẳng 289 sinh viên, hệ trung cấp 6.239 học viên và 4.158 học viên sơ cấp. Năm học 2023-2024, kết quả tốt nghiệp nghề đạt tỷ lệ 100%, trong đó xếp loại khá, giỏi đạt 70%. Trên 95% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm, thu nhập từ trên 8 triệu đồng/người/tháng.

Giờ thực hành của lớp Kỹ thuật chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.

Giờ thực hành của lớp Kỹ thuật chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.

Đặc biệt trong thời gian qua, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm ngoài nước cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp như triển khai “Dự án Trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản”, mô hình đầu tiên trong cả nước khi kết hợp đào tạo chương trình THPT hệ giáo dục thường xuyên với chương trình trung cấp nghề và tiếng Nhật. Sau 3 năm học văn hóa tại trường, các em được cấp bằng THPT; về chuyên môn được cấp bằng trung cấp (đáp ứng chuẩn kỹ năng đặc định 1) để làm việc cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản; về ngoại ngữ tiếng Nhật đạt từ N4 trở lên. Năm 2024, nhà trường phối hợp với Hội Nhịp cầu Việt - Đức tổ chức cho 16 sinh viên hệ cao đẳng đi trải nghiệm lao động tại Cộng hòa Liên bang Đức; phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH) tổ chức hội nghị giới thiệu các chương trình xuất khẩu lao động do Trung tâm Lao động ngoài nước như: chương trình EPS (Hàn Quốc), chương trình IM Japan (xuất khẩu lao động Nhật Bản miễn phí); chương trình Đài Loan và Cộng hòa Liên bang Đức… có mức chi phí thấp, cách thức triển khai công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người lao động.

Thầy Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực qua đào tạo, chất lượng cao. Với uy tín trong đào tạo lao động, một số doanh nghiệp đã đặt hàng nhà trường đào tạo nghề cho người lao động của họ. Tiêu biểu như Công ty TNHH QMH Computer thuộc Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc) chuyên sản xuất máy tính tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận sau khi đến trường tìm hiểu đã đặt hàng nhà trường mỗi năm đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động, với các nghề: Điện 300 lao động, Điện tử 400 lao động, Công nghệ thông tin 200 lao động, Hàn 100 lao động... đáp ứng nhu cầu của nhà máy đi vào sản xuất theo lộ trình.

Để sẵn sàng cung ứng lao động có tay nghề cao cho doanh nghiệp, thời gian tới, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đổi mới phương pháp đào tạo, đảm bảo quy mô đào tạo hệ chính quy với những ngành, nghề xã hội có nhu cầu, nhất là các nghề trọng điểm, xây dựng nhà trường trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ, kỹ năng, năng động, sáng tạo, trung thực, tinh thần trách nhiệm, có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh đa lĩnh vực, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN, đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động trẻ. Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào GDNN; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ. Nâng cao năng lực chuyển đổi số của các cơ sở GDNN. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học, giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Các cơ sở GDNN chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học trong doanh nghiệp. Huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp GDNN, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bài và ảnh: Minh Tân

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202501/thuc-day-hop-tac-lien-ket-quoc-tetrong-giao-duc-nghe-nghiepde-xay-dungnguon-nhan-luc-chat-luong-cao-fa32f14/
Zalo