Thúc đẩy giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tối thiểu đạt 95% kế hoạch được giao, Bộ Tài chính vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn các CTMTQG.

Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt 31% tổng kế hoạch vốn giao.

Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt 31% tổng kế hoạch vốn giao.

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 10396/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn các CTMTQG nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 7 tháng năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng về giải ngân vốn đầu tư công.

12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 50% trở lên

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt 31% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2024. Trong đó, vốn đầu tư các CTMTQG từ nguồn ngân sách trung ương đạt 38% (khoảng 10.313 tỷ đồng).

Cụ thể, CTMTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân vốn ngân sách trung ương là 3.310,591 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch vốn giao trong năm. Nhiều nội dung thành phần của CTMTQG đạt kết quả giải ngân trên 40% kế hoạch vốn địa phương giao. Chẳng hạn như: Nội dung thành phần 01 về Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa đạt 73,6% kế hoạch.

Về giải ngân vốn CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Tài chính cho biết, kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương là 5.250,918 tỷ đồng, đạt 37,5% kế hoạch vốn giao trong năm 2024. CTMTQG giảm nghèo bền vững giải ngân là 1.751,415 tỷ đồng, đạt 32,4% kế hoạch vốn giao trong năm 2024.

Đến hết tháng 7/2024, 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ giải ngân trên 50% trở lên gồm: Hậu Giang (85,3%), Ninh Thuận (69,8%), Vĩnh Long (65,1%), Bạc Liêu (62,14%), Yên Bái (60,9%), Thanh Hóa (58,9%), Lâm Đồng (58,3%), An Giang (54,6%), Tây Ninh (54,2%), Sơn La (52,6%), Tiền Giang (52,05%), Trà Vinh (50,7%).

Tuy nhiên, vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ giải ngân dưới 20% gồm: Bình Phước (8%), Nam Định (10%), Cà Mau (12%), Hà Tĩnh (13%), Hòa Bình (15%), Phú Yên (15%), Thái Bình (18%).

Nhiều đơn vị chưa thực hiện phân bổ kế hoạch vốn

Bên cạnh kết quả đạt được trên, theo Bộ Tài chính, hiện vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện phân bổ kế hoạch vốn được giao. Đối với việc triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, nhiều UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức triển khai thực hiện tỷ lệ giải ngân các CTMTQG được cải thiện đáng kể.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính vẫn còn một số đơn vị chậm trong triển khai bao gồm: 3/4 bộ, ngành chưa phân bổ vốn (Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên minh hợp tác xã Việt Nam), 11/48 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn (Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Thái Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước); 01 tỉnh Bình Phước chưa phân bổ vốn CTMTQG Giảm nghèo bền vững.

Nguyên nhân chưa phân bổ hết vốn là do các dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.

Ngoài nguyên nhân trên, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ ảnh hưởng lớn đến triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương...

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, cũng như quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân tối thiểu đạt 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo trung ương các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.

Các chủ Chương trình/Dự án/Tiểu dự án/Nội dung thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ LĐTBXH...) và UBND kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai của địa phương để hướng dẫn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục, phân bổ vốn; trường hợp đã phân bổ vốn, đề nghị gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp.

Các địa phương thực hiện rà soát và phân bổ vốn các CTMTQG theo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn và nội dung hỗ trợ, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG.

Minh Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thuc-day-giai-ngan-von-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia.html
Zalo