Thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: cần đột phá từ chính sách
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Tuy nhiên, hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều 'nút thắt', cần giải pháp hỗ trợ đột phá từ chính sách.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Theo báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT, ĐMST đã mang đến những tác động tích cực trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân... Mặc dù vậy, hành trình ĐMST của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến quá trình này chưa phát triển được như mong muốn.
Trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thuốc, Công ty CP dược phẩm CPC1 Hà Nội thường được nhắc đến với các sản phẩm thuốc tiêm có chất lượng cao và ổn định trong thời gian dài trên thị trường Dược phẩm của Việt Nam.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP dược phẩm CPC1 Hà Nội Lê Nam Thắng, thách thức lớn nhất đối với CP1 Hà Nội là các dự án đổi mới khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ đó là vấn đề vốn. Bất cứ một dự án khoa học công nghệ nào, CPC1 Hà Nội phải nghiên cứu và đầu tư chi phí rất nhiều, thời gian kéo dài kèm rủi ro có thể dự án không hoàn thành hoặc dự án không thực hiện được.
Chia sẻ về những nút thắt đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Đức Nghiệm cho rằng, chính sách cho đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, có sự xung đột, thiếu đồng bộ về luật. Đơn cử như Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có quy định về các loại tài sản, trong đó có tài sản sở hữu trí tuệ, nhưng Nghị định hướng dẫn hình thành doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh lại không có nội dung này, dẫn tới trong Luật thì có nhưng khi thực hiện, mang sáng chế đi đăng ký kinh doanh để được coi là tài sản của doanh nghiệp thì lại không được. Đây là “khoảng mờ, khoảng trống” trong chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, theo ông Nghiệm, các tổ chức trung gian cũng là một điểm nghẽn của thị trường công nghệ do chưa đủ mạnh, chưa đủ chuyên nghiệp để kết nối giữa bên chuyển giao và bên có nhu cầu. Hiện Việt Nam có hơn 800 tổ chức trung gian, trong đó có 240 tổ chức được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng năng lực, đặc biệt ưu tiên cho các tổ chức gắn với ngành xuất khẩu chủ lực.
Còn theo Viện trưởng Viện Hỗ trợ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp Dương Thị Kim Liên, nhiều đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Mặc dù có các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, nhưng các thủ tục hành chính và yêu cầu pháp lý vẫn còn khá phức tạp. Mặt khác, một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo là sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu chưa thực sự được thiết lập mạnh mẽ. Hiện nay nhiều cơ quan quản lý chưa phân biệt được giải pháp ĐMST cho doanh nghiệp khác gì so với giải pháp nói chung về phát triển doanh nghiệp. Do đó, chúng ta cần phân biệt được đâu là ĐMST thì mới có giải pháp hỗ trợ.
Cởi mở về cơ chế, chính sách
Trong thời kỳ CMCN 4.0, việc tiếp tục đầu tư và đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn để doanh nghiệp phát triển bền vững, thích ứng nhanh với sự biến đổi của thị trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Để khắc phục những điểm hạn chế về cơ chế khuyến khích ĐMST, Việt Nam cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn.
Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, Sở KH&CN Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ, như triển lãm, trình diễn công nghệ, kết nối cung cầu, hội nghị, hội thảo và các cuộc thi khởi nghiệp. Các sự kiện này không chỉ giúp giới thiệu công nghệ mới mà còn tạo cơ hội kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học. Quan tâm hỗ trợ việc nhập khẩu và giải mã các công nghệ cao từ các nước phát triển, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp điện tử, cơ khí, và công nghệ sạch. Điều này sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp địa phương.
Viện trưởng Viện Hỗ trợ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp Dương Thị Kim Liên cho rằng, để khuyến khích ĐMST trong doanh nghiệp, cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực công và khu vực tư nhân vào các startup. Đồng thời, nghiên cứu các chính sách nhằm xây dựng sàn huy động vốn riêng cho các startup công nghệ, tạo khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp, tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư mạo hiểm khi kết thúc thương vụ; khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi về thuế.
Bên cạnh đó, cần có nhóm giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cho ĐMST thông qua thúc đẩy đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển, tập trung xây dưng các trường đại học đóng vai trò quan trọng vào việc khuyến khích sự sáng tạo, tinh thần học hỏi và khả năng phản biện của các sinh viên và có các chính sách thu hút nhân tài.