Thúc đẩy cung cầu dựa trên tiềm năng, thế mạnh của vùng cao

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, nguồn lực cho các HTX phát triển, trong đó nhiều mô hình HTX do phụ nữ làm chủ thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và thúc đẩy thương mại miền núi phát triển.

 Tổ hợp tác ớt rừng Phú Lương được Hội LHPN huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đóng gói và thiết kế mẫu mã

Tổ hợp tác ớt rừng Phú Lương được Hội LHPN huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đóng gói và thiết kế mẫu mã

Nhận thấy thế mạnh của việc phát triển nghề thuốc Nam và mong muốn phát triển nghề thuốc của gia đình nói riêng và người dân tộc Dao nói chung, chị Bùi Thị Ngọc (xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã mạnh dạn vận động người dân trong bản cùng tham gia thành lập và phát triển Hợp tác xã (HTX) với tên gọi HTX thuốc nam Ngọc Sáng. Hợp tác xã có 7 thành viên tham gia làm nghề và giải quyết việc làm cho trên 20 lao động đều là phụ nữ người Dao tại địa phương.

Với nguồn nguyên liệu dồi dào và một số cây đặc trưng, HTX của chị Ngọc đã mở rộng thị trường và phát triển nghề thuốc chuyên nghiệp hơn bằng các sản phẩm như cao nghệ đen, cao xoa bóp xương khớp, cao uống xương khớp, viên uống chữa dạ dày, cao lá tắm…

HTX thuốc nam Ngọc Sáng được hỗ trợ để các sản phẩm của HTX được cấp tem truy xuất nguồn gốc miễn phí và được kết nối để tham gia các hội chợ thương mại xúc tiến khắp khu vực phía Bắc.

HTX thuốc nam Ngọc Sáng được hỗ trợ để các sản phẩm của HTX được cấp tem truy xuất nguồn gốc miễn phí và được kết nối để tham gia các hội chợ thương mại xúc tiến khắp khu vực phía Bắc.

Từ ngày thành lập HTX, chị đã liên kết với người dân bản địa để thu mua dược liệu. Đồng thời bắt đầu tổ chức trồng các vùng dược liệu quý như xạ đen, khôi nhung, nghệ đen, thiên niên kiện. Chị Ngọc cho biết: Có làm như vậy, HTX mới đảm bảo được tính an toàn và nâng cao được hiệu suất công việc. Bên cạnh đó, HTX sẽ tiếp tục liên kết với người dân mở rộng thêm quy mô trồng dược liệu quý để tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.

Bản thân là người dân tộc thiểu số gia đình thuần nông sản xuất tự cung tự cấp sản phẩm làm ra bà con nông dân gặp không ít khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, chị Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp bản Dao Thống Nhất đã thành lập HTX thu mua củ sả tươi cho các hộ là thành viên. HTX đầu tư mua trang thiết bị, dây truyền chiết xuất tinh dầu các loại, xây dựng nhà xưởng, in nhãn mác làm bao bì sản phẩm cho tinh dầu sả. Hiện nay quy mô sản xuất kinh doanh của HTX với diện tích trồng cây sả 145ha sản lượng trung bình 7-12 tấn/ha, tạo công ăn việc làm ổn định cho 86 thành viên và 20 lao động thời vụ tại địa phương. Sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đồng thời được bình chọn "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các tỉnh phía Bắc”.

Hội LHPN tỉnh Hòa Bình hỗ trợ các HTX kết nối tiêu thụ sản phẩm

Hội LHPN tỉnh Hòa Bình hỗ trợ các HTX kết nối tiêu thụ sản phẩm

Tại huyện Đà Bắc, HTX đa ngành nghề Tâm Cương do chị Hà Thị Tâm làm Giám đốc đã thu hút nhiều hộ thành viên và hộ liên kết tham gia. Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất, cung ứng ra thị trường từ 2 - 2,5 tấn thịt lợn, khoảng 500 con gà, tương đương 700-800 kg gà thương phẩm. HTX đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOOP 3 sao là Gà đồi Tân Minh và Thịt lợn bản địa Tân Minh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xuất hiện nhiều mô hình HTX do phụ nữ làm chủ với cách làm hay, sáng tạo, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, đặc sản, mang thương hiệu của địa phương, mang thương hiệu của phụ nữ: HTX 3T nông sản Cao Phong, HTX Tuyết Nhi, HTX V-OGANIC, HTX Thảo Mộc Xanh Huna Home, HTX nông nghiệp Ngọc Lương, HTX chă nuôi gà đồi Hương Nhượng… với nhiều sản phẩm có chất lượng, có tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, được đánh giá, phân hạng OCOP như: trà, cao cà gai leo, hạt dổi, ớt rừng, tinh dầu xả, gà Lạc Sơn, cam 3TFarm, rau su su Quyết Chiến, rau hữu cơ Lương Sơn; thổ cẩm Mai Châu, Lạc Sơn...

Sản phẩm Cao dược liệu của HTX Cao dược liệu Tuyết Nhi được công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao của tỉnh Hòa Bình

Sản phẩm Cao dược liệu của HTX Cao dược liệu Tuyết Nhi được công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao của tỉnh Hòa Bình

Đồng hành cùng phụ nữ vùng cao xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm

"Với sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, tôi được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng. HTX thuốc nam Ngọc Sáng còn được hỗ trợ để các sản phẩm của HTX được cấp tem truy xuất nguồn gốc miễn phí và được kết nối để tham gia các hội chợ thương mại xúc tiến khắp khu vực phía Bắc. Chính những lần tham gia hội chợ này đã giúp cho thương hiệu HTX thuốc nam Ngọc Sáng được nhiều người biết đến hơn, từ đó sản phẩm kết nối, tiêu thụ sản phẩm được với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh", chị Bùi Thị Ngọc cho biết.

Tại tổ hợp tác ớt rừng Phú Lương, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện, sản phẩm ớt rừng Phú Lương đã được xây dựng thương hiệu, đóng gói và thiết kế mẫu mã đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng. Nhờ đó, sản phẩm ớt rừng Phú Lương ngày càng được ưa chuộng và dễ dàng tiêu thụ trên thị trường. Bên cạnh việc trồng và thu hoạch ớt tươi, các thành viên tổ hợp tác còn sơ chế, chế biến ớt muối. Trước đây, ớt muối thường được cho vào chai nhựa, nhanh chóng bị mốc và không bảo quản được lâu. Giờ đây, ớt muối Phú Lương đã được đóng lọ thủy tinh theo quy cách 100g với giá bán 35.000 đồng/lọ. Sản phẩm này không chỉ giữ được lâu hơn mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể bảo quản trong thời gian lên đến 24 tháng", chị Bùi Thị Hà, Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ.

Sản phẩm trà DETOX của HTX 3T nông sản Cao Phong thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng

Sản phẩm trà DETOX của HTX 3T nông sản Cao Phong thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng

Theo đại diện Hội LHPN tỉnh Hòa Bình, xác định các HTX do phụ nữ tham gia chủ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã và đang tập trung hỗ trợ các HTX bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý để thành lập mô hình; xây dựng kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân đầu tư vào hoạt động mô hình. Ngoài ra, đại diện nữ quản lý các mô hình HTX, tổ hợp tác còn được hội hỗ trợ tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo do các cấp, các ngành tổ chức nhằm tạo cơ hội phát triển mô hình về cả quy mô và chất lượng sản phẩm thông qua các hoạt động của cuộc thi.

Đồng thời, việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử, xây dựng tem nhãn, bao bì sản phẩm được Hội LHPN các cấp đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện hiệu quả, có chiều sâu giúp cho HTX và các mô hình kinh tế tập thể do nữ làm chủ có thêm động lực để phát triển, thúc đẩy thương mại miền núi và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Hòa Bình.

Hoàng Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuc-day-cung-cau-dua-tren-tiem-nang-the-manh-cua-vung-cao-20241023150315215.htm
Zalo