Thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp
Gặp khó trong tiếp cận và làm chủ công nghệ
Hiện nay, việc hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội là nhiệm vụ cấp thiết. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện năng lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy nền kinh tế Thủ đô phát triển toàn diện.
Tính chung trong 10 tháng năm 2024, TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho gần 25.000 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký gần 230.000 tỷ đồng. Chỉ riêng trong tháng 10, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 2.318 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký hơn 20.000 tỷ đồng. Cũng trong 10 tháng năm 2024, TP Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 700.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các số liệu thống kê cho thấy, Hà Nội là địa phương có sức hút đầu tư lớn và số lượng doanh nghiệp đông đảo. Vì vậy, để mở rộng quy mô nền kinh tế Thủ đô, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần áp dụng công nghệ một cách toàn diện, hiệu quả nhằm giải quyết bài toán về CĐS, từ đó khai thác tối đa cơ hội từ lĩnh vực này để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thương mại điện tử. Tuy nhiên đến nay, đây vẫn là nhiệm vụ khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp.
Thực tế, đa số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), quy mô về vốn và nhân lực hạn chế, việc tiếp cận và làm chủ công nghệ mới gặp rất nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội, một số doanh nghiệp chưa ý thức đầy đủ về vai trò quan trọng của CĐS, từ đó chưa xác định được phương hướng và lộ trình cụ thể cho CĐS. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính dành cho CĐS, thậm chí, nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các góichuyển đổi số
Để tăng cường các giải pháp CĐS tại doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, theo các chuyên gia, cần có sự hỗ trợ thông qua những khoản vay ưu đãi khi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ số. Chính quyền địa phương và tổ chức tài chính có thể cung cấp tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp để thực hiện triển khai dự án CĐS từ việc mua sắm trang thiết bị đến triển khai hệ thống. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần thiết lập những chính sách ưu đãi về thuế như miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các hoạt động và đầu tư liên quan đến CĐS; cung cấp những chương trình đào tạo và hỗ trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm vững các kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện CĐS hiệu quả.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3457/QĐ-UBND về kế hoạch hỗ trợ CĐS cho DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% DNNVV tại TP Hà Nội được nâng cao nhận thức về CĐS. Để thực hiện điều này, thành phố sẽ hỗ trợ DNNVV triển khai gói bắt đầu CĐS (Start Digital), theo đó, hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp CĐS để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.
Khi các DNNVV được đánh giá ở mức độ đã CĐS và có nhu cầu đẩy mạnh phát triển sẽ được hỗ trợ sử dụng gói tăng tốc CĐS (Grow Digital). Khi sử dụng, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp CĐS cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Cùng với những giải pháp về chính sách hỗ trợ, một trong những yếu tố quyết định đến thành công của các doanh nghiệp trong CĐS là nhân lực. Để doanh nghiệp thực hiện CĐS hiệu quả cần đội ngũ cán bộ, nhân viên có kiến thức và am hiểu về công nghệ. Vì vậy, doanh nghiệp cần có cơ chế tuyển dụng cũng như hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích, tạo động lực thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, tham gia hướng nghiệp, giảng dạy, hợp tác về việc cho sinh viên thực tập tại cơ sở của doanh nghiệp. Thông qua hình thức này giúp các sinh viên làm quen với môi trường doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, việc phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng tốc trong quá trình CĐS. Theo đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP Hà Nội, sự phối hợp giữa Sở TT-TT, Cục Công nghiệp Công nghệ TT-TT (Bộ TT-TT), Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm công nghệ số của Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội kết nối với doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình CĐS, phát triển thương mại điện tử, giao dịch điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số của TP Hà Nội.