Thúc đẩy chuyển đổi số
Đầu tư hạ tầng số là chiến lược đang được thành phố Huế đẩy mạnh thực hiện nhằm phục vụ chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế số, xã hội số của địa phương phát triển.

Hạ tầng được đầu tư kết nối phục vụ phát triển các dịch vụ thông minh
Từng bước đồng bộ hạ tầng kỹ thuật số
Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông - hạ tầng số được thực hiện đồng bộ, kết nối cáp quang đến từng hộ gia đình, phủ sóng 4G đến 100% thôn, bản trên địa bàn thành phố. Số liệu Phòng Chuyển đổi số - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cung cấp, đến nay, mạng băng rộng cố định (cáp quang FTTH) và mạng di động đã phủ sóng đến 100% thôn, bản trên địa bàn. Tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS giữa các doanh nghiệp đạt 13%; tỷ lệ dùng chung cột treo cáp đạt 92%; tỷ lệ dùng chung cống bể cáp đạt 49%. Nhờ được đầu tư, tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 84,31% và tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang đạt 83,19%. Tốc độ mạng băng rộng cố định và di động trên địa bàn đều đạt cao hơn so với cả nước; trong đó, mạng băng rộng cố định đạt 167.57Mbps (cả nước đạt 99.81Mbps) và tốc độ truy nhập internet băng rộng di động đạt 90.53Mbps (cả nước đạt 65.61Mbps).
Sở KH&CN cũng đã tập trung vào công tác ngầm hóa, cải tạo chỉnh trang hạ tầng viễn thông với 44 tuyến đường/khu vực đã hoàn thành ngầm hóa cáp, dây thuê bao và 152 tuyến đường đã hoàn thành cải tạo, chỉnh trang. Theo ông Võ Văn Khoái, Phó Trưởng phòng Chuyển đổi số - Sở KH&CN, chỉ trong thời gian ngắn triển khai, đã có 50 trạm BTS thân thiện môi trường được đầu tư dọc tuyến đường, đảm bảo vùng phủ sóng 4G, 5G. Ngoài ra, để xóa tình trạng "lõm mạng", "trắng mạng", đảm bảo an toàn, thông suốt thông tin liên lạc trên các tuyến cao tốc, khu vực giao thông cách trở..., nhiều trạm BTS được đầu tư xây dựng để phủ sóng di động tại tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Cam Lộ; đồng thời, phủ sóng di động tại các hầm đường sắt Bắc - Nam qua địa phận thành phố Huế.
Kết nối các dịch vụ thông minh
Thành phố Huế đang phấn đấu xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ chuyển đổi số để hoàn thành mục tiêu "4 không, 1 có": Làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không tiền mặt, dữ liệu có số hóa. Thành phố đã phát triển, nâng cấp hạ tầng số thiết yếu, bước đầu đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh. Đã có 100% cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng chuyên dùng của Đảng và Chính phủ để đáp ứng triển khai các dịch vụ số, đảm bảo an toàn thông tin. 100% cơ quan Nhà nước từ cấp thành phố đến cấp xã triển khai kết nối mạng MetroNet kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ, internet tập trung.
Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước được đầu tư đồng bộ. Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số sử dụng công nghệ điện toán đám mây đang được triển khai tại Trung tâm Điều hành, giám sát đô thị thông minh thành phố Huế (HueIOC) được đầu tư và nâng cấp để triển khai các hệ thống phục vụ chính quyền và cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.
Việc vận hành trung tâm dữ liệu này đã giúp người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền. Đến nay, có hơn 2.230 bảng dữ liệu cho các lĩnh vực được xây dựng: Du lịch, bưu chính - viễn thông, báo chí - xuất bản, giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao, dịch vụ công, hạ tầng địa điểm, sản phẩm OCOP, giấy phép xây dựng… Qua đó, cho phép cơ quan Nhà nước cũng như cá nhân, doanh nghiệp thu thập, trích xuất, chuyển đổi, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý, chia sẻ dữ liệu, góp phần phục vụ triển khai chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh hiệu quả.
Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, chính quyền địa phương tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông triển khai ứng dụng công nghệ truyền dẫn quang tốc độ siêu cao, dung lượng lớn; đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng di động chất lượng cao, như 4G, 5G và thế hệ tiếp theo..., từng bước đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước và nhu cầu sử dụng các dịch vụ số, dịch vụ thông minh của người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, các nhà mạng trên địa bàn như Viettel, VNPT, Mobifone... đã đầu tư phủ sóng 110 trạm BTS 5G trên địa bàn thành phố Huế. Dự kiến trong năm 2025, các nhà mạng tiếp tục đầu tư phủ sóng thêm 362 trạm BTS 5G trên địa bàn thành phố.