Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero

là chủ đề của Hội thảo do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị đối tác tổ chức sáng 24/10 tại Hà Nội.

Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT Đào Xuân Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT Đào Xuân Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam, giúp nâng cao nhận thức về vai trò của năng lượng tái tạo (NLTT), tìm kiếm các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero là trách nhiệm của toàn xã hội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT Đào Xuân Hưng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050; cùng với 103 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methanol toàn cầu; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.

Sau COP26, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia với sự tham gia của 17 Bộ, ngành, các cơ quan liên quan để triển khai, thực hiện các cam kết. Trong đó, Bộ TN&MT là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã hoàn thiện và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển phục vụ phát triển NLTT, các dự án điện gió ngoài khơi.

Đặc biệt, Bộ TN&MT đã hướng dẫn thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022, bao gồm mục tiêu giảm phát thải đối với từng lĩnh vực và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) với các biện pháp thực hiện; tham gia phối hợp hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; xây dựng và hoàn thành Đề án triển khai tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP); tham gia xây dựng chương trình giảm sử dụng năng lượng hóa thạch trong ngành Năng lượng, lồng ghép vào Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; mở nhiều cơ hội hợp tác phát triển chuyển đổi năng lượng xanh.

Tổng Biên tập Đào Xuân Hưng nhấn mạnh, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn NLTT như: Điện mặt trời trên mái nhà, điện gió và năng lượng sinh khối. Việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp. Trách nhiệm của người dân về tiết kiệm năng lượng, sống thân thiện với môi trường bằng việc sử dụng thiết bị sử dụng ít năng lượng.

Hội thảo tập trung vào chủ đề chính về: Chuyển đổi năng lượng xanh; bối cảnh toàn cầu, cam kết với quốc tế của Việt Nam và thực trạng và giải pháp triển khai năng lượng xanh tại Việt Nam; cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ chuyển đổi NLTT; đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng xanh; thách thức trong lưu trữ và phân phối năng lượng xanh và NLTT; ứng dựng khoa học, công nghệ để thu hồi và phát triển năng lượng xanh.

Chuyển dịch năng lượng góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH

Với tham luận “Chuyển dịch năng lượng và mục tiêu Net Zero trên thế giới: Bối cảnh đặt ra với Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT cho biết, chuyển dịch năng lượng nhằm đạt mục tiêu Net Zero là trọng tâm của các chính sách môi trường toàn cầu, không chỉ liên quan đến việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mà còn đòi hỏi các quốc gia phát triển hệ thống năng lượng bền vững, tận dụng các nguồn NLTT và áp dụng công nghệ tiên tiến.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT trình bày tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT trình bày tham luận tại Hội thảo.

Hiện nay, chuyển dịch năng lượng là xu hướng toàn cầu. Từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015, nhiều quốc gia đã đưa ra lộ trình giảm phát thải, áp dụng các công nghệ carbon thấp, đồng thời thúc đẩy NLTT (IRENA, 2021). Các quốc gia phát triển như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã ban hành các chính sách mạnh mẽ để chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và hạn chế tác động tiêu cực của BĐKH (IEA, 2022).

Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển đổi này không chỉ gặp khó khăn về tài chính và công nghệ mà còn yêu cầu sự thay đổi lớn về mặt thể chế và chính sách.

Với những mục tiêu cụ thể, Việt Nam hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, là một nhiệm vụ bắt buộc đối với phát triển bền vững và là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh, phù hợp với các yêu cầu của Thỏa thuận Paris và xu thế toàn cầu sau Hội nghị COP26. Chuyển dịch năng lượng là quá trình quan trọng để giảm thiểu tác động của BĐKH, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Việt Nam có tiềm năng lớn về NLTT, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng gió và sinh khối. Sự phát triển của NLTT giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới BĐKH. NLTT không chỉ cung cấp một nguồn năng lượng bền vững mà còn giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, từ đó đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chống BĐKH.

Chuyển dịch năng lượng là yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp giữa Chính phủ, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ quốc tế. Các công nghệ tốt nhất hiện có và các chiến lược chuyển đổi phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực, đồng thời tăng cường phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng các công nghệ tốt nhất hiện có (BAT) giúp giảm chi phí dài hạn và nâng cao hiệu quả chuyển dịch năng lượng.

Chính phủ Việt Nam tích cực thúc đẩy sự phát triển của nguồn năng lượng xanh, bền vững, cung cấp cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án NLTT, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường.

Cần hoàn thiện các khung chính sách pháp lý

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, phát triển NLTT không chỉ là chìa khóa để giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH. Việc giảm phát thải carbon là một trong những lợi ích lớn nhất khi sử dụng các nguồn NLTT như điện mặt trời, điện gió và năng lượng sinh khối.

NLTT giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm lượng khí CO2 và các loại khí nhà kính khác phát thải ra môi trường, góp phần làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Các nghiên cứu và mô hình kinh tế lượng đã chứng minh rằng, đầu tư vào NLTT không chỉ giúp giảm đáng kể lượng khí nhà kính toàn cầu mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Bên cạnh việc giảm phát thải, NLTT còn giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với BĐKH. Các dự án NLTT có thể được triển khai tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và BĐKH, giúp cung cấp nguồn năng lượng ổn định, bền vững trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống thường xuyên bị gián đoạn do thời tiết khắc nghiệt.

Đồng thời, cần hoàn thiện các khung chính sách pháp lý, đảm bảo tính minh bạch và nhất quán, đồng thời đưa ra các cơ chế tài chính ưu đãi hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận và phát triển NLTT một cách bền vững. Phát triển NLTT đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ chế tài chính mạnh mẽ và chính sách hỗ trợ.

Mặc dù, NLTT mang lại nhiều lợi ích lâu dài như giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH, chi phí ban đầu để triển khai các dự án lớn thường rất cao, làm cản trở nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Để giải quyết vấn đề này, các cơ chế tài chính như tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các khoản vay ưu đãi là những giải pháp thiết yếu nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án NLTT.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp tích cực trao đổi, thảo luận để cùng đưa ra các giải pháp cụ thể cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về vai trò của NLTT, tìm kiếm các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050…

Linh Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thuc-day-chuyen-doi-nang-luong-xanh-huong-toi-muc-tieu-net-zero-386795.html
Zalo