Thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại đô thị lớn

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị 'Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam'.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết: Ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nhưng mức độ ô nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng trong 10 năm gần đây là vấn đề rất đáng lo ngại cần tập trung giải quyết.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng. Dư luận xã hội và người dân cũng rất quan tâm đến ô nhiễm không khí, đồng thời báo chí và các đơn vị truyền thông cũng đã tích cực đưa tin bài, phản ánh về nội dung này.

Nhưng hiện nay, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, ô nhiễm không khí không phải trách nhiệm của riêng từng bộ, từng ngành hay từng địa phương mà bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội.

Đốt rơm rạ sau mỗi lần thu hoạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ sau mỗi lần thu hoạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học và giới chuyên gia môi trường cũng đã chia sẻ các nội dung liên quan đến quản lý chất lượng không khí đồng thời, trao đổi, nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn vào các vấn đề cụ thể như: Hiện trạng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Theo đó, tình trạng ô nhiễm không khí trong thời gian qua xảy ra phổ biến tại một số thành phố, đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, nhất là khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và đặc biệt là khu vực Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động trên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi; chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt trong không khí rất lớn đã ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí.

Bên cạnh đó là tình trạng đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng (đốt mở và phân tán) vẫn diễn ra nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù.

Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về quản lý, cải thiện, phục hồi ô nhiễm không khí; những khó khăn, vướng mắc thực tế và thách thức khi thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí và đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, khả thi để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam...

Cục phó Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lê Thái Hà cho biết, ngành Y tế đã xây dựng “Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng” nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe; xây dựng Sổ tay hướng dẫn phòng, chống tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe bao gồm hướng dẫn chung và hướng dẫn cho người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền, người tham gia giao thông; xây dựng “Sổ tay hướng dẫn đánh giá nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí” (do Bệnh viện Nhi Trung ương, Cục Quản lý môi trường y tế và tổ chức Live & Learn phối hợp thực hiện) hỗ trợ cán bộ y tế đánh giá nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí dựa trên các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, ngoài việc chia sẻ diễn biến hiện trạng và nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí tại một số tỉnh thành phố lớn của Việt Nam; chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thành công để quản lý chất lượng môi trường không khí tại một số quốc gia trong khu vực, Hội nghị cũng đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam cần tập trung triển khai trong thời gian tới với các nhóm giải pháp đó là:

Nhóm các giải pháp về chính sách, tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường (BVMT), phí BVMT đối với khí thải; chính sách cho vay, hỗ trợ, ưu đãi cụ thể, khả thi đối với “chuyển đổi xanh”; chính sách ưu đãi, hỗ trợ (về thuế nhập khẩu) đối với các thiết bị, công nghệ xử lý hoặc giảm thiểu phát sinh khí thải; chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường được tái chế từ sản phẩm thu hồi như phụ phẩm nông nghiệp.

Nhóm các giải pháp về kỹ thuật, thực hiện theo đúng lộ trình chuyển đổi công nghệ của các nhà máy (nhiệt điện) sử dụng nhiều nguyên liệu thô, phát thải nhiều sang công nghệ sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp; tăng tỷ lệ cây xanh đô thị nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển “rừng trong thành phố”. Thực hiện khẩn trương công tác kiểm kê nguồn thải và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải; triển khai các biện pháp giám sát nguồn thải lớn thông qua hệ thống quan trắc tự động và kết nối dữ liệu online. Việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI) cần được thực hiện nghiêm túc và kịp thời nhằm công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí. Đồng thời, cần nhanh chóng tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng không khí để giảm thiểu những tổn thất của nền kinh tế, ảnh hướng tới các hoạt động xã hội và thiệt hại về sức khỏe con người.

Đối với nhóm các giải pháp về quản lý, kiểm soát các nguồn thải, các địa phương cần khẩn trương rà soát lại để có lộ trình di dời các cơ sở thuộc nhóm phát sinh khí thải lớn ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, trong đó có các làng nghề quanh khu vực ngoại thành Hà Nội và phụ cận; phân vùng để điều tiết hoạt động giao thông vào giờ cao điểm; kiểm soát thật chặt các hoạt động vận tải, vận chuyển vật liệu xây dựng; nghiên cứu giải pháp giao thông đi chung xe tại các đô thị lớn; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp, đã đến lúc cần xử lý nghiêm các hành vi đốt rác thải, phụ phẩm nông nghiệp trái các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về nhóm các giải pháp truyền thông, cộng đồng, các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT cung cấp thông tin kịp thời và chính xác tới người dân nhằm có biện pháp hữu hiệu để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, nhưng không làm xáo trộn các hoạt động kinh tế - xã hội, gây dư luận hoang mang.

Cuối cùng, đối với nhóm các giải pháp về nguồn lực, kinh tế: tập trung quan tâm, đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm các nguồn tác động đến chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là biện pháp kỹ thuật về quan trắc môi trường, kiểm soát nguồn thải, bổ sung cây xanh, rửa đường... Về lâu dài, cần có đề án chuyển đổi hệ thống giao thông xanh, phát triển giao thông công cộng với lộ trình thực hiện sớm nhất. Nghiên cứu, thí điểm phương án thu thuế, phí với những phương tiện/ nguồn thải phát sinh nhiều khí thải gây ô nhiễm (người gây ô nhiễm trả tiền); thu phí đối với phương tiện cá nhân khu vực nội thành, giờ cao điểm…

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã rất rõ ràng và kiên định “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Với công tác bảo vệ môi trường không khí, cần phải có sự chung tay và xác định đây là công việc chung của toàn xã hội. Từ những nhận định, đánh giá, kết luận, kiến nghị của ngày hôm nay, các Bộ, ngành, địa phương cần xác định lại nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của mình và tập trung nguồn lực triển khai thực hiện quyết liệt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí như hiện nay. Chủ động sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, đổi mới, quyết liệt triển khai các hành động, giải pháp, mô hình quản lý nhằm cải thiện chất lượng không khí theo nguyên tắc tập trung (kiểm soát nguồn thải lớn; hạn chế nguồn thải phân tán), đặc biệt là giúp các đô thị lớn hướng tới mục tiêu “Bầu trời xanh - Không khí sạch”.

N.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuc-day-cac-giai-phap-giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-tai-do-thi-lon-720624.html
Zalo