Thúc đẩy các giải pháp cho phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn

Ngày 23-12, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Tọa đàm 'Luật Bảo vệ môi trường - Hành lang pháp lý cho phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn'.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Thanh Kim, Phó tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, những năm gần đây, không chỉ Việt Nam mà hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều chứng kiến những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và đe dọa đến sự ổn định phát triển nền kinh tế.

Đứng trước những thách thức trên, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua vào năm 2020 và hiệu lực thi hành đầu năm 2022, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ và cải thiện môi trường. Luật không chỉ để điều chỉnh các hoạt động bảo vệ môi trường mà còn là nền tảng pháp lý cho việc thúc đẩy phát triển xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, hướng đến một kỷ nguyên mới về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang ngày càng trở nên cấp thiết và là nhiệm vụ trọng tâm để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, Việt Nam cần thúc đẩy thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thông qua xây dựng chặt chẽ các chính sách về bảo vệ môi trường, áp dụng thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020; khuyến khích không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân tham gia vào thực hiện kinh tế tuần hoàn; cùng với đó, để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam cần xây dựng các chiến lược tăng cường năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh chất lượng đầu tư hướng đến phục hồi hiệu quả của nền kinh tế.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Theo PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cần có những biện pháp hỗ trợ ưu đãi, đặc biệt thông qua phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh, mua sắm xanh, thuế phí ưu đãi xanh, đồng thời, cần có những ưu đãi cả về đất đai và tất cả những ưu đãi khác trong mua sắm xanh. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính cũng đang tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện.

GS, TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho biết, các ngành phát thải lớn như sản xuất năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện, nhiệt điện,... hay sản xuất xi măng, ngành thép, ngành hóa chất, cần thiết phải chuyển đổi sang phương thức mới là sử dụng năng lượng tái tạo; bên cạnh đó, các ngành này cần lập báo cáo môi trường chi tiết việc phát thải carbon để có kế hoạch chuyển đổi hiệu quả.

Tin, ảnh: HOÀI THU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/thuc-day-cac-giai-phap-cho-phat-trien-xanh-va-kinh-te-tuan-hoan-808422
Zalo