Thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động, việc làm

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới.

Lao động nữ của Công ty Canon tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: nhandan.vn)

Lao động nữ của Công ty Canon tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: nhandan.vn)

Ngày 9/4/2024, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Chấp hành cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027.

Bình đẳng giới trong lao động không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, khuyến khích sự công bằng, tiến bộ.

Bình đẳng giới trong lao động không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, khuyến khích sự công bằng, tiến bộ.

Chính vì thế nhiều năm qua, Việt Nam luôn chú trọng cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực lao động và việc làm. Ðiều này đã được thể hiện trong những tiến bộ về cải cách luật pháp, chính sách. Ðồng thời Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm nhằm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động nữ.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng bất bình đẳng giới trong lao động và tiếp cận việc làm ở nước ta vẫn còn và có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế-xã hội.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, số lao động có việc làm là nam giới luôn cao hơn nữ giới ở hầu hết các vị trí (làm công ăn lương, chủ cơ sở, tự làm, xã viên hợp tác xã).

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nam là 74,4%, nhiều hơn 11,9% so với nữ giới. Riêng đối với vị trí lao động làm công việc tự sản tự tiêu, không được trả lương, trả công, là việc làm có mức độ bị tổn thương cao nhất, số lao động nữ có việc làm chiếm tới 63,8%, trong khi lao động nam chỉ 36,2%.

Bên cạnh đó, cũng trong 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân tháng của lao động nam (8,6 triệu đồng) cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (6,4 triệu đồng). Ðối với nhóm lao động làm công ăn lương, lao động nam cũng có mức thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động nữ là 1,13 lần.

Trong vấn đề tuyển dụng việc làm, các nhà tuyển dụng vẫn ưu tiên lựa chọn nam giới thay vì nữ giới vì theo quan niệm truyền thống, nam giới được coi là những người có sức khỏe, chịu được áp lực công việc, có thể làm các công việc yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng cao hơn.

Những bất cập này đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cấp, ngành nhằm thu hẹp dần khoảng cách bất bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm.

Việc phụ nữ có kiến thức, trí tuệ, có thu nhập, vị thế trong xã hội là tiền đề để thay đổi định kiến về giới ở nước ta hiện nay. Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử nói chung và trong lĩnh vực lao động nói riêng; nghiên cứu bổ sung, mở rộng quan niệm về bình đẳng giới, đồng thời, tích cực ban hành các chính sách có tính thực tiễn cao nhằm tạo điều kiện cho trẻ em gái, phụ nữ được sinh hoạt, học tập và làm việc trong môi trường bình đẳng; khuyến khích phụ nữ học tập và không ngừng trau dồi khả năng của bản thân, đặc biệt là hướng tới việc nâng cao vị thế cho phụ nữ ở các vùng dân tộc thiểu số...

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-binh-dang-gioi-trong-lao-dong-viec-lam-post853813.html
Zalo