Thực bì chưa sạch, rừng đã cháy - nỗi lo mùa khô ở Bắc Kạn
Mùa khô năm nay, nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng ở Bắc Kạn tăng cao. Tại nhiều địa phương như Bạch Thông, Chợ Đồn... đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại về rừng, có vụ gây chết người.

Lực lượng chức năng dập lửa tại một đồi rừng xã An Thắng, huyện Pác Nặm.
Chiều 16/4, tại thôn Khuổi Quân, xã Bình Trung (Chợ Đồn), một phụ nữ 56 tuổi đã tử vong trong khi xử lý thực bì trên nương. Do không có kinh nghiệm, bà đã đốt thực bì trong điều kiện trời hanh khô, gió lớn, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng và không thể kiểm soát. Đây được coi là vụ việc nghiêm trọng nhất liên quan đến cháy rừng ở Bắc Kạn trong mùa khô năm nay.
Ông Bàn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 4 vụ cháy rừng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân còn chủ quan, khi xảy ra cháy, nhiều người không biết cách xử lý, đến lúc lửa vượt quá tầm kiểm soát mới báo cho chính quyền”.

Một người tử vong nghi do đốt xử lý thực bì tại xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn).
Tại các thôn, bản vùng cao, người dân sống gần rừng, thường xuyên lên rừng làm nương rẫy. Dù các lực lượng Kiểm lâm, Công an và chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy rừng, nhưng trên thực tế, nhiều người dân vẫn còn lơ là. Khi xảy ra cháy, không ít người không biết cách dập lửa, không có phương tiện, thậm chí có trường hợp vì hoảng loạn mà lao vào đám cháy, dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.

Các lớp thực bì dày ở trong rừng rất dễ bắt lửa và gây cháy lan.
Có người dân cho rằng chữa cháy là việc của chính quyền, lực lượng Kiểm lâm hoặc Công an, nên khi có cháy rừng, việc huy động lực lượng tại chỗ gặp nhiều khó khăn.
Ông Vũ Văn Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn cho biết: “Gần đây, trên địa bàn xảy ra nhiều điểm cháy, đã có trường hợp chết người do đi đốt thực bì rừng. Ý thức của người dân là yếu tố rất quan trọng. Nhiều người sống gần rừng nhưng chưa hiểu hết về nguy cơ cháy rừng, cũng như cách xử lý khi có cháy xảy ra”.
Theo ông Thịnh, ngoài việc tăng cường lực lượng và trang thiết bị, cần tổ chức các buổi tập huấn thực tế, diễn tập chữa cháy theo tình huống cụ thể để người dân nắm được cách xử lý ban đầu. Trong các vụ cháy rừng gần đây, một số đám cháy lan rộng, kéo dài nhiều ngày khiến việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. Ngoài thiệt hại về tài nguyên rừng, cháy rừng còn gây tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế của người dân.

Đám cháy ở đèo Áng Toòng, khu vực giáp ranh giữa tổ 4, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) và xã Tân Sơn (Chợ Mới) xảy ra hôm 15 và 16/4.
Ông Hoàng Hữu Khiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Xuất Hóa chia sẻ: “Chúng tôi vẫn thường xuyên phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng cháy, chữa cháy rừng và nhà ở. Trong vụ cháy ở đèo Áng Toòng gần đây, lực lượng chữa cháy chủ yếu là người dân tại chỗ, mang theo bình nước, dao, cuốc… để dập lửa. Theo tôi, việc tập huấn, diễn tập cần làm thường xuyên, hướng dẫn từ cách phát hiện đám cháy sớm, sử dụng thiết bị cơ bản đến cách phản ứng nhanh khi có cháy”.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện nay lực lượng kiểm lâm còn mỏng, thiết bị thiếu, địa hình rừng ở Bắc Kạn lại phức tạp, chia cắt, gây nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường khi cháy xảy ra.

Những ngày hanh khô, ngành chức năng khuyến cáo nên hạn chế đốt dọn thực bì.
Thực tế cho thấy, chỉ một mồi lửa nhỏ cũng có thể gây cháy cả cánh rừng. Cháy rừng không chỉ là mất rừng, mà còn có thể mất người. Vì vậy, mỗi người dân sống gần rừng cần nâng cao ý thức, trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản để phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với cháy rừng. Phòng cháy, chữa cháy rừng không phải là chuyện riêng của ai, mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.
Ngày 16/4/2025, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Công văn về tăng cường công tác PCCCR. Trong đó, tập trung phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra, kiểm soát chặt người ra vào khu vực trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cháy rừng hằng ngày khi dự báo từ cấp III trở lên; kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng. UBND các huyện cần xây dựng phương án huy động lực lượng chữa cháy tại vùng giáp ranh, phối hợp chặt chẽ giữa các xã, huyện để xử lý kịp thời khi cháy xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại”./.